Theo nguồn tin của Zing, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) vừa có văn bản thông báo sắp xếp làm việc luân phiên đối với công nhân khu xưởng C, D, Y và Hóa công thuộc khối sự nghiệp PCaG.
Thời gian áp dụng từ 1/12 đến 28/2/2023. Khoảng thời gian này công ty sẽ sắp xếp công nhân nghỉ tổng cộng 14 ngày. Trong thời gian nghỉ việc, công nhân sẽ được hưởng lương 180.000 đồng/ngày.
Nguyên nhân được lãnh đạo công ty cho biết do tình hình đơn đặt hàng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, công ty và toàn thể công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp PCaG đã thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên.
Dự kiến kế hoạch nghỉ luân phiên này ảnh hưởng đến hàng chục nghìn công nhân. Đại diện công ty bày tỏ mong muốn người lao động các xưởng cùng phối hợp thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước đó, vào giữa năm 2020, công ty này cũng từng phải cắt giảm gần 3.000 lao động do thiếu hụt đơn hàng.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thuộc tập đoàn Pouchen, hoạt động từ năm 1996 với ngành nghề sản xuất chính là giày thể thao. Đây là doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP.HCM hiện nay với khoảng trên 50.000 lao động. Trụ sở doanh nghiệp nằm tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, rộng khoảng 56 ha.
Mới đây, Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân đã phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân, tương đương hơn 60% nhân công với lý do không có đơn hàng. Trong số công nhân mất việc có hơn 60% là nữ, nhiều người đã ngoài 40 tuổi, hầu hết gắn bó với công ty 10-15 năm.
Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động. Sau đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM và 127 doanh nghiệp giới thiệu việc làm khác sẽ kết nối lao động tới những doanh nghiệp có nhu cầu phù hợp trong khu vực.
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023 của TP.HCM sáng 19/11, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng cho biết nhiều công ty dệt may trên địa bàn phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn hàng, đối mặt nhiều khó khăn.
Hiện tại, số lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Hoa Kỳ, châu Âu giảm rõ rệt (châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%); lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%.
Theo ông Nhân, từ quý IV và dự báo quý I/2023, khách hàng hạn chế và không tăng. Các doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với bình thường. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất.
Báo cáo về tình hình lao động trên địa bàn, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM cho biết năm nay, thành phố có 27 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc do cơ cấu lại công nghệ cũng như ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế.
Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là những địa phương có nhiều nhà máy, nhiều lao động để thực hiện giám sát, nắm chắc được tình hình và chủ động các biện pháp ứng phó.