Tờ New York Times (NYT) cho hay hãng xe điện non trẻ Nio của Trung Quốc có tham vọng cạnh tranh với Tesla đã tuyển dụng 11.000 nhân viên cho mảng nghiên cứu, nhưng lại chỉ bán được 8.000 chiếc xe mỗi tháng, kém xa so với hơn 430.000 chiếc trong quý II của nhà Elon Musk.
Hãng xe điện này đã đầu tư hẳn một nhà máy tự động với chỉ 30 chuyên viên kỹ thuật vận hành và đủ sức sản xuất 300.000 ô tô mỗi năm.
Nio cũng đính kèm sản phẩm kính thực tế ảo trị giá 350 USD trên mỗi ghế xe điện của mình, đồng thời giới thiệu smartphone tự phát triển, kết nối với hệ thống lái tự động của ô tô.
Thế nhưng chưa một điều nào trên đây đem về lợi nhuận cho Nio. Trong quý II/2023, hãng xe điện non trẻ này đã lỗ đến 835 triệu USD, tương đương lỗ 35.000 USD trên mỗi chiếc xe bán ra.
Theo NYT, Nio hay vô số những hãng xe điện khác của Trung Quốc nhờ được hậu thuẫn từ chính phủ mà có thể chịu đựng được các khoản lỗ khổng lồ để tiếp tục phát triển cạnh tranh với Tesla cùng các tập đoàn quốc tế khác.
Đây là lợi thế cực lớn khi các hãng xe nước ngoài phải tự thân vận động và bị ràng buộc bởi cổ đông, những người chỉ nhìn vào lợi nhuận.
Năm 2020, khi Nio gần như cạn vốn thì chính quyền địa phương Trung Quốc đã rót 1 tỷ USD để mua 24% cổ phần, thế rồi một ngân hàng quốc doanh dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư cũng bơm thêm 1,6 tỷ USD nữa để cứu hãng xe điện non trẻ này.
Hiện nay dù vẫn thua lỗ nhưng Nio lại là startup xe điện thống trị Trung Quốc ở mảng công nghệ sản xuất và cải tiến kỹ thuật, vượt xa các đối thủ quyền lực từ Châu Âu hay Mỹ khác.
Trái ngược lại dù các hãng xe Phương Tây vẫn hưởng trái ngọt từ mảng ô tô xăng nhưng họ lại đang chịu thua về ô tô điện.
Tồi tệ hơn, những cuộc đình công đã kéo sang tuần thứ 3 ở Detroit-công xưởng xe hơi của Mỹ, đã cho thấy một rắc rối to lớn hơn đang chờ những tập đoàn này.
Tờ NYT nhận định các thương hiệu xe quốc tế sẽ phải đầu tư hàng tỷ USD để tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, sản xuất của mình cho phù hợp chiến lược dịch chuyển xe điện.
Về lý thuyết, mảng ô tô điện cần ít nhân công hơn và có thể ứng dụng nhiều công nghệ tự động hóa nhằm giảm chi phí.
Thế nhưng những công nhân trong ngành ô tô lại muốn bảo vệ quyền lợi của mình và hậu quả là xung đột và đình công diễn ra.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nio và các hãng xe điện non trẻ của Trung Quốc không gặp thách thức.
Bán cho ai?
Mới đây, Châu Âu đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào các hãng xe điện Trung Quốc vì lo sợ họ sẽ tràn vào thị trường này và đe dọa đến các thương hiệu địa phương.
Phía Châu Âu cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ các doanh nghiệp của mình và đe dọa sẽ áp đặt các rào cản thương mại.
Nỗi lo trên là có cơ sở khi xuất khẩu xe điện Trung Quốc đã tăng 851% trong 3 năm qua và chủ yếu là vào thị trường Châu Âu.
Đây là một tin xấu với những hãng như Nio vốn đã đầu tư rất lớn cho các thị trường Châu Âu như Đức.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Nio có bán đủ xe ở thị trường này để bù đắp cho các chi phí đầu tư hay không bởi rõ ràng, chính phủ Trung Quốc không thể hỗ trợ được mãi.
“Thực tế là tôi không lo lắng về sản lượng mà là nhu cầu thị trường”, CEO William Li của Nio thừa nhận.
Theo NYT, các hãng xe điện Trung Quốc bỏ xa khá lớn so với Mỹ và Châu Âu ở mảng ắc quy. Họ phát triển được những công nghệ cho phép hạ giá thành và giúp xe điện chạy xa hơn. Thế rồi khả năng thiết kế, tương thức và sản lượng cũng vượt trội.
Thế rồi chi phí nhân công ngành ô tô Trung Quốc khá thấp, chỉ vào khoảng 300.000 USD/năm tại Thượng Hải và thấp hơn ở những vùng khác.
Trái lại một công nhân của Ford Motor có thể kiếm bình quân 110.000 USD/năm và công đoàn Mỹ còn đang đình công để đòi tăng lương 40% nữa trong 4 năm tới, chưa kể những phúc lợi khác.
Chính sự dư thừa sản lượng và chi phí rẻ này đã khiến giá xe điện thấp hơn nhiều so với ô tô xăng, tạo nên làn sóng xe điện Trung Quốc tràn ngập nhiều nước.
Tuy nhiên chính điều này lại khiến chính phủ Phương Tây lo lắng và có động thái bảo hộ. Trong khi Mỹ đã chính thức lập rào cản thương mại với xe điện Trung Quốc thì khả năng Châu Âu nối gót sẽ khiến những hãng xe như Nio phải đau đầu.
Thị trường Nga, Đông Nam Á, Trung Đông dù có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng lẫn khả năng chi tiêu không thể bằng so với các nền kinh tế phát triển Phương Tây.
Cây to đón gió lớn
Ngành xe điện Trung Quốc phát triển quá nhanh với quá nhiều ưu thế lại đang trở thành tâm điểm cho sự e ngại từ các nước.
Trong triển lãm ô tô gần đây, Nio đã cho cả thế giới thấy họ là hãng xe điện dẫn đầu về mảng tự động hóa sản xuất.
Thậm chí chuyên gia phân tích, đồng thời là cựu Chủ tịch GM Indonesia, Michael Dunne từ San Diego cũng phải thừa nhận các hãng ô tô Mỹ hiện phải nhập khẩu robot và thiết bị tự động hóa từ chính nhà cung ứng Trung Quốc.
“Các hãng xe nhìn quanh và tự hỏi doanh nghiệp Mỹ đã làm gì để tăng khả năng tự động hóa cho mình, và câu trả lời là chẳng gì cả”, ông Dunne ngán ngẩm.
Đồng quan điểm, chuyên gia Paul Gong từ ngân hàng UBS dự đoán các hãng xe Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 thị trường xe hơi vào cuối thập niên này.
Riêng tại Châu Âu, thị phần ô tô Trung Quốc sẽ tăng mạnh từ 3% hiện nay lên 20%.
Theo ông Gong, sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt ở thị trường Trung Quốc đã khiến mọi hãng xe phải cố gắng hết sức để phát triển công nghệ và tìm đường sống, dẫn đến sự bùng nổ mà các hãng Phương Tây chỉ còn biết đứng nhìn.
Thậm chí, nhiều hãng xe nước ngoài chỉ còn cách hợp tác để đuổi kịp công nghệ xe điện Trung Quốc.
Vào tháng 7/2023, tập đoàn Volkswagen đã trả 700 triệu USD để mua 4,99% cổ phần hãng xe điện Xpeng dù startup này đã thua lỗ nặng.
Nếu Nio nhận được sự trợ giúp từ chính quyền địa phương Hefei thì Xpeng lại nhận được hỗ trợ từ Wuhan, do vậy có lỗ thì vẫn cố làm.
Tất nhiên không phải hãng xe điện Trung Quốc nào cũng lỗ khi BYD đang lăm le soán ngôi của Tesla.
Tập đoàn xe điện hàng đầu Trung Quốc này đã tăng gấp 3 lần lợi nhuận trong nửa đầu năm nay nhờ khả năng tự chủ nguồn cung và giảm chi phí sản xuất bằng công nghệ mới.
Nghiên cứu của UBS cho thấy chiếc ô tô điện BYD Seal có chi phí sản xuất rẻ hơn ít nhất 35% so với phân khúc cùng dòng Volkswagen ID3.
Thậm chí BYD còn tự xây dựng cả một đội tàu biển thuộc hàng lớn nhất thế giới cho riêng mình nhằm phục vụ kế hoạch bành trướng sang các thị trường quốc tế.
Xin được nhắc là tàu biển chở xe điện cần có thiết kế chuyên dụng và nhu cầu gia tăng đang khiến các hãng đóng tàu quá tải.
Chính những tiềm năng cực lớn và sự hậu thuẫn từ chính phủ này đã khiến các hãng xe điện Trung Quốc dù lãi hay lỗ nặng đều đổ xô tập trung phát triển, bất kể thị trường có thách thức gì đi chăng nữa.
“Mọi người đều biết là chúng tôi thậm chí còn chưa hòa nổi vốn và đang chịu áp lực cực lớn, nhưng đây lại là con đường chúng tôi cần phải đi”, CEO Li của Nio thẳng thắn thừa nhận.
*Nguồn: NYT