Mỗi tháng cần sử dụng khoảng 1.000 lít dầu diesel để vận hành máy móc, ông Trần Tuấn Anh, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại Hà Tĩnh, cho biết việc giá nhiên liệu này tăng cao liên tục gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của công ty.
"Nếu như năm ngoái, mỗi tháng doanh nghiệp chỉ cần chi 13-15 triệu đồng tiền dầu thì đến nay con số tăng lên gấp đôi, hơn 25 triệu đồng. Chưa kể giá nguyên vật liệu xây dựng như thép, xi măng tăng cũng khiến doanh nghiệp gặp khó vì chi phí đội lên cao", ông Tuấn Anh phân trần.
Thực tế, việc giá dầu tăng cao sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hàng loạt hoạt động sản xuất bởi các lĩnh vực từ trồng trọt, thực phẩm đến những ngành công nghiệp nặng đều phụ thuộc vào mặt hàng này. Trong đó, dầu diesel là nhiên liệu chính cho các loại xe chở hàng nặng như tàu hỏa, ôtô khách, xe tải và các phương tiện cần hỗ trợ như tàu đánh cá, máy móc xây dựng...
Vận tải hàng hóa lao đao
Từ đầu năm đến nay, giá dầu diesel đã tăng gần 7.000 đồng/lít, tương đương mức tăng ròng 38,12% so với đầu năm và tăng 99% so với đầu năm 2021. Đáng chú ý, kỳ điều hành ngày 5/9 đã đưa giá mặt hàng này lần đầu tiên vượt giá xăng. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Bình Dương - đánh giá việc giá dầu neo cao và vượt giá xăng đang gây trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải hàng hóa tuyến TP.HCM - Hà Nội cũng thừa nhận chưa bao giờ chứng kiến giá dầu đắt hơn giá xăng. "Động cơ diesel có khả năng chịu tải tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn do đó loại nhiên liệu này thường được các doanh nghiệp vận tải hàng hóa sử dụng", vị này cho biết.
Trong khi giá xăng giảm thì giá dầu lại quay đầu tăng khiến nhiều ngành gặp khó vì không chỉ vận tải đường bộ mà đường thủy, tàu hỏa hay các loại máy móc phục vụ sản xuất công, nông nghiệp đều sử dụng dầu diesel.
"Hơn nữa trong bối cảnh nguồn cung thế giới thiếu hụt dầu diesel như hiện nay sẽ khiến cước vận tải hàng hóa khó giảm và giá đến tay người dân sẽ tiếp tục tăng cao", lãnh đạo doanh nghiệp này nhận định.
Không chỉ vậy, nhiều ngư dân ra khơi và nông dân các địa phương đang vào mùa thu hoạch lúa hè thu cũng gặp nhiều khó khăn vì phải mua dầu với giá cao trong bối cảnh nguồn cung tại các đại lý bán lẻ thiếu hụt cục bộ
"Hiện giá dầu diesel cao gấp đôi so với giá năm 2021. Gia đình tôi có hai cặp tàu, mỗi tháng bơm ít nhất 50.000 lít dầu nhưng từ khi giá tăng kỷ lục khiến chi phí đi biển tăng vọt vài trăm triệu đồng", chị Trần Đông, ngư dân Bình Định cho biết.
Gần 20 năm trong nghề nhưng chị Đông cũng chưa bao giờ chứng kiến giá dầu lên trên 30.000 đồng/lít, chưa nói tới chuyện có thể đắt hơn giá xăng. "Ra khơi nhưng dầu tăng cao, không trúng cá thì lỗ nặng, còn để tàu nằm bờ thì dễ hư hỏng. Hàng loạt ngư dân khu vực tôi đã phải bỏ nghề", chị nói.
Thông thường, giá dầu ở Việt Nam thường rẻ hơn giá xăng vài nghìn đồng mỗi lít nên nhiều người dân ưu tiên lựa chọn ôtô sử dụng động cơ dầu khi có nhu cầu di chuyển nhiều hoặc sử dụng xe cho các mục đích chuyên dụng.
Tuy nhiên, theo một số người, khi giá nhiên liệu này ngày càng đắt đỏ, thậm chí vượt giá xăng sẽ khiến họ đắn đo hơn trong việc lựa chọn phương tiện.
Giá hàng hóa khó giảm
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá xăng trong nước vẫn tiếp tục giảm trong những kỳ điều hành qua nhưng mức giảm không quá lớn. Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh tăng mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và vận tải.
"Các xe vận chuyển tải trọng lớn đa phần sử dụng nhiên liệu dầu. Do vậy, giá dầu tăng lên có thể kéo theo đà tăng của cước vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều máy móc, động cơ trong hoạt động sản xuất cũng sử dụng một lượng dầu lớn", cơ quan này nhận định.
Sau cùng, chi phí vận tải hay sản xuất sẽ được phản ánh vào giá nhiều loại mặt hàng và dịch vụ của người tiêu dùng. Chính vì vậy, MXV cho rằng vấn đề giá xăng giảm nhưng giá nhiều hàng hóa vẫn không giảm tiếp tục là một bài toán nan giải trong thời gian tới.
Trao đổi với Zing, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng cho biết các thiết bị máy móc lớn trong nền kinh tế quốc dân dùng để sản xuất công nghiệp đều được vận hành bằng dầu diesel. Vì vậy, khi giá nhiên liệu này ở mức cao, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất lớn.
"Thực tế, giá dầu diesel trên thế giới đã tăng do các nước châu Âu chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế cho khí đốt của Nga và người dân Mỹ dùng dầu thay thế khi giá xăng tăng. Điều này khiến giá mặt hàng dầu tăng vọt trong khi từ trước đến nay giá dầu luôn thấp hơn xăng", ông nói.
Tại Mỹ, giá dầu diesel trung bình đã tăng vọt lên 5,068 USD/gallon trong khi giá xăng trung bình trên cả nước là 3,78 USD với mỗi gallon xăng thường. Tác động của giá dầu diesel tăng vọt đã lan đến giá của các mặt hàng được bày bán trong siêu thị, cửa hàng.
Một số hãng bán lẻ như Walmart phải bổ sung phụ phí nhiên liệu cho một số nhà cung cấp. "Về cơ bản, mọi mặt hàng được vận chuyển bằng xe tải sẽ bị ảnh hưởng", ông Michael Englund - nhà kinh tế trưởng tại Action Economics - cảnh báo.