Theo Reuters, giá bán buôn điện và khí đốt trên toàn cầu tăng mạnh khiến cho các hộ gia đình ở châu Âu phải gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả các hóa đơn năng lượng. Trong đó, đối tượng phải chịu nhiều tổn thương nhất là những người nghèo, người cơ nhỡ.
Giá nhiên liệu cao
Giá nhiên liệu trên thị trường thường được quyết định bởi cán cân cung cầu. Thông thường, giá nhiên liệu sẽ giảm vào mùa hè và tăng vào mùa đông do người tiêu dùng có nhu cầu sưởi ấm, chiếu sáng cao hơn.
Tại châu Âu, giá nhiên liệu năm ngoái đã tăng cao kể từ 9/2021, sau đó lại tiếp tục tăng mạnh hơn nữa do tình trạng gián đoạn nguồn cung kể từ khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm nay.
Mới đây, tình trạng này còn trở nên tệ hơn khi Nga đã giảm lượng khí đốt cung cấp cho các nước châu Âu xuống còn 20% với lý do bảo trì đường ống Nord Stream 1.
Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 - chạy từ Nga đến Đức qua Biển Baltic - cũng không được Chính phủ Đức cấp phép hoạt động. Nguyên nhân đến từ sự phản đối của Mỹ và những lo ngại ở châu Âu về sự phụ thuộc năng lượng ngày càng tăng vào Nga.
Ngoài ra, sự cố hạt nhân của Pháp và một đợt nắng nóng kỷ lục trên khắp châu Âu vào mùa hè này cũng làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Giá khí đốt tiêu chuẩn tại trung tâm TTF của Hà Lan đã tăng gần 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này trong các hợp đồng năng lượng tương lai ở Đức và Pháp lần lượt là 540% và 790%.
Đà tăng kéo dài
Nhiều nhà phân tích trên thị trường khí đốt dự đoán giá mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng trong ít nhất hai năm tới.
Nhất là trong mùa đông năm nay, sự khan hiếm khí đốt ở châu Âu càng khiến cho giá nhiên liệu khó giảm. Mặc dù các quốc gia châu Âu đang trên đà nạp đầy các kho dự trữ khí đốt lên mức tối thiểu 80%, một mùa Đông lạnh giá có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ trên nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nếu bất cứ tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt nào từ Nga xảy ra, như việc ngừng hoàn toàn đường ống Nord Stream 1 cũng sẽ đẩy giá nhiên liệu lên tiếp.
Ngoài ra, giá năng lượng đến tay người tiêu dùng tăng cao có một phần nguyên nhân là họ phải gánh chịu các chi phí phát sinh từ nhà cung cấp.
Thường thì các nhà cung cấp năng lượng sẽ dự đoán trước nhu cầu của khách hàng và mua các hợp đồng tương lai phù hợp để có đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi nhu cầu năng lượng tăng đột xuất, các nhà cung cấp sẽ phải mua thêm với giá cao hơn, và khi đó giá bán lẻ đến tay khách hàng cũng cao hơn.
Ở Anh, đối với hóa đơn nhiên liệu kép (điện và khí đốt), chi phí phát sinh này có thể chiếm tới 40% trong mức giá bán lẻ.
Các chính phủ vào cuộc
Tháng 7 vừa rồi, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu mỗi quốc gia thành viên cắt giảm lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông này khoảng 15%, bằng cách áp dụng các biện pháp cắt giảm bắt buộc.
Một số nước châu Âu cũng đã ban hành các điều luật về sử dụng điều hòa và các mức độ sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng hay thương mại. Mục đích là để không rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng dự trữ cho mùa đông.
Ngoài ra, Đức đã chuyển sang giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn. Nếu phải chuyển đến giai đoạn cuối cùng, nguồn cung khí đốt đối với nền sản xuất công nghiệp dự kiến bị cắt giảm. Nước này cũng sẽ áp dụng thuế khí đốt để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước, và điều này có thể khiến hóa đơn năng lượng của Đức tăng thêm khoảng 480 euro/năm.
Trong khi Đức áp thêm thuế cho khí đốt, các nước khác lại lựa chọn trợ giá năng lượng, loại bỏ thuế môi trường hoặc thuế VAT.
Anh, quốc gia phụ thuộc phần lớn vào khí đốt để sưởi ấm, đã đưa ra mức giá trần đối với giá năng lượng bán lẻ và giới hạn lợi nhuận của các nhà cung cấp ở mức 1,9% để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên làm gì
Theo số liệu thống kê, các hộ gia đình chiếm 30-40% nhu cầu khí đốt của châu Âu với khoảng 80% khí đốt dành để sưởi ấm. Thông thường nhu cầu sẽ cao hơn vào mùa Đông, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3.
Theo các nhà phân tích của Bernstein, có một số biện pháp có thể giúp các hộ gia đình giảm bớt 30% nhu cầu tiêu thụ khí đốt.
Những điều rất đơn giản như điều chỉnh nhiệt độ máy sưởi xuống công suất nhỏ hơn đã có thể giúp giảm bớt 7% nhu cầu tiêu thụ. Hoặc mặc quần áo ấm áp trong nhà cũng giúp tiết kiệm thêm 4% khí đốt.
Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng hệ thống sưởi ấm vào tháng 10 và tháng 3, chỉ dùng trong khoảng tháng 11 đến tháng 2 cũng có thể giúp tiết kiệm 3-6% nhiên liệu.
Tắt các thiết bị tản nhiệt khi không sử dụng, thay vòi sen bằng vòi tiết kiệm nước cũng sẽ giúp người dân tiết kiệm khoảng 7% hóa đơn mỗi tháng.