Thị trường khí đốt ở châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ hứng chịu một cú sốc mới sau khi Australia - một nước sản xuất khí đốt lớn trong khu vực - phát tín hiệu có thể cắt giảm xuất khẩu khí hoá lỏng (LNG). Nguy cơ này xuất hiện trong bối cảnh các nước châu Á đang phải tranh mua LNG với các nước châu Âu, nguồn cung khí đốt toàn cầu thắt chặt, và giá khí đốt ngày càng tăng cao.
Theo hãng tin CNBC, Australia dự định cắt giảm xuất khẩu khí đốt để ưu tiên thị trường trong nước, vì lo ngại nguồn cung khí đốt trong nước có thể không đủ đáp ứng nhu cầu trong năm 2023.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Sức ép nguồn cung LNG ngày càng lớn
Trong một động thái cho thấy chủ nghĩa bảo hộ năng lượng đang gia tăng trên toàn cầu, tuần trước, Uỷ ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) kêu gọi Chính phủ nước này bảo vệ nguồn cung khí đốt trong nước và hạn chế xuất khẩu LNG. Cơ sở để ACCC đưa ra lời kêu gọi này là khu vực bờ Đông của Australia có thể thiếu hụt 56 petajoule khí đốt trong năm tới.
Trong những tháng gần đây, châu Á-Thái Bình Dương đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn của các nhà nhập khẩu năng lượng châu Âu đang tìm cách ứng phó với sự suy giảm chóng mặt của nguồn cung khí đốt từ Nga trước thềm mùa đông. Nhằm thay thế cho khí đốt Nga chảy qua đường ống, các nước châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu khí hoá lỏng và trong nhiều trường hợp, đưa ra mức giá cao hơn so với các nước kém phát triển hơn ở châu Á để giành quyền mua được lô hàng.
"Sự thiếu vắng nguồn cung LNG giao ngay từ vùng bờ Đông Australia có thể dẫn tới sự thắt chặt gia tăng của nguồn cung LNG ở châu Á-Thái Bình Dương, nhất là khi nhu cầu tăng đỉnh điểm trong quý 4”.
Chuyên gia Kenneth Foo, S&P Global Market Intelligence
“Để bảo vệ an ninh năng lượng ở bờ Đông, chúng tôi đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên khởi động Cơ chế An ninh khí đốt nội địa Australia (ADGSM)”, Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb nói. “Chúng tôi cũng kêu gọi mạnh mẽ các nhà xuất khẩu LNG ngay lập tức tăng cung cấp cho thị trường địa phương”.
Phần lớn khí đốt cung cấp cho vùng bờ Đông của Australia là khí đốt được sản xuất bởi các công ty xuất khẩu LNG ra các nước châu Á-Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác. Cơ chế ADGSM không cho phép các nhà sản xuất khí đốt này được tiếp tục xuất khẩu LNG nếu thị trường khí đốt trong nước bị thiếu hụt.
Hầu hết LNG xuất khẩu đều được cung cấp thông qua các hợp đồng dài hạn, các nhà sản xuất LNG của Australia cũng bán các lô hàng trên thị trường giao ngay, không cần hợp đồng. Những nước không có khả năng ký hợp đồng dài hạn buộc phải mua LNG trên thị trường giao ngay. Đây chính là nguồn cung khí đốt mà ACCC kêu gọi các nhà sản xuất tránh đưa ra thị trường bên ngoài - hiện đang có rất nhiều khách mua “đói” hàng – mà thay vào đó để dành cho thị trường trong nước.
Hiệp hội Thăm dò và sản xuất xăng dầu Australia (APPEA), một tổ chức vận động hành lang của ngành dầu khí nước này, đã lên tiếng trấn an thị trường, nói rằng nguồn cung khí đốt ở Australia trong năm tới sẽ dư thừa, và nước này thực ra trước đây chưa bao giờ thiếu khí đốt.
“Đây là vấn đề sống còn của lĩnh vực xuất khẩu khí đốt, và thị trường trong nước vẫn luôn thừa khí đốt. Chúng ta có thể đạt được cả hai mục tiêu này. Chúng tôi không muốn phải lựa chọn một trong hai”, quyền CEO Damian Dwyer của APPEA nói với CNBC.
Theo giới phân tích, nếu cơ chế ADGSM được Australia kích hoạt, áp lực giá cả sẽ gia tăng đối với những nước nhập khẩu LNG lớn nhất trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc và cả những nước mới nhập LNG như Philippines. Giá LNG đã tăng gần 80% kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 – theo chỉ số giá khí đốt của Platts JKM.
Những nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?
“Từ tháng 4 đến nay, chưa có lô khí đốt hoá lỏng nào được bán giao ngay tại 3 cảng xuất khẩu LNG lớn ở bờ Đông của Australia. Điều này cho thấy một phần hoạt động xuất khẩu khí đốt của Australia đã chững lại”, ông Kenneth Foo - chuyên gia về thị trường LNG của S&P Global Market Intelligence - phát biểu. “Sự thiếu vắng nguồn cung LNG giao ngay từ vùng bờ Đông Australia có thể dẫn tới sự thắt chặt gia tăng của nguồn cung LNG ở châu Á-Thái Bình Dương, nhất là khi nhu cầu tăng đỉnh điểm trong quý 4”.
Những nước đang phát triển ở châu Á như Bangladesh và Pakistan đã và đang phải mua LNG trên thị trường giao ngay – theo nhà phân tích Sam Reynolds thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA). “Việc những nước này không mua được LNG theo hợp đồng dài hạn đã dẫn tới tình trạng khan hiếm năng lượng và mất điện, khiến nền kinh tế bị đẩy tới bờ vực sụp đổ”, ông Reynolds nói.
Vị chuyên gia nói thêm rằng Philippines, một nước mới tham gia thị trường nhập khẩu LNG, sẽ gặp nhiều khó khăn. “Việc không thể mua LNG với giá cạnh tranh có thể khiến cho các cảng nhập khẩu LNG mới xây và các nhà máy phát điện chạy bằng LNG bị bỏ phí”, ông nhấn mạnh và cho rằng những trở ngại như vậy có thể phá hỏng nỗ lực của Philippines nhằm phát triển lĩnh vực khí hoá lỏng của nước này vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm.
Những nước không có hợp đồng mua LNG dài hạn như Philippines có thể bị sốc khi Australia hạn chế xuất khẩu năng lượng này, nhưng nguồn cung LNG của toàn khu vực nói chung sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Đề xuất hạn chế xuất khẩu LNG của Australia chỉ tương đương khoảng 14 tàu LNG mỗi tháng. Đó chỉ là một phần nhỏ nếu so với lượng LNG mà nước này xuất khẩu. Trong tháng 7, Australia xuất khẩu 100 tàu LNG trong tổng số 300 tàu LNG mà châu Á nhập khẩu.
“Việc cắt giảm chỉ giới hạn ở số LNG không được bán theo các hợp đồng dài hạn. Điều đó có nghĩa là việc hạn chế sẽ không có ảnh hưởng lớn đến những khách mua dài hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. 70-80% nhập khẩu khí đốt của những nước này là thông qua các hợp đồng dài hạn”, ông Reynolds nói.
Những vấn đề mà thị trường LNG toàn cầu đang đương đầu được xem là lớn hơn nhiều so với việc Australia tính hạn chế xuất khẩu. Theo ông Reynolds, mối lo lớn nhất hiện nay là các nước châu Âu tranh mua LNG với khách châu Á. Một hệ quả là giá năng lượng toàn cầu sẽ lên cao hơn nữa, đẩy cao lạm phát vốn dĩ đã lập kỷ lục nhiều thập niên ở nhiều quốc gia, đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trung ương.