Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 15,8% và luân chuyển tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 15,3% và luân chuyển tăng 12,7%.
Vận tải hàng hoá, hành khách tăng trưởng khả quan
Theo ghi nhận, hoạt động vận tải trong tháng 7 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vận chuyển hành khách tăng 5,3% và luân chuyển hành khách tăng 3,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 9,8% và luân chuyển hàng hóa tăng 5,3%.
Cụ thể, vận tải hành khách tháng 7 ước đạt 398,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 1,3% so với tháng trước và luân chuyển 21,1 tỷ lượt khách.km, tăng 2,9%. Tính chung 7 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 2.615,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 140,3 tỷ lượt khách.km, tăng 27,6%.
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 2.607 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và 116,4 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 10,8%; vận tải ngoài nước ước đạt 8,1 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 5,7 lần và 23,9 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 4,9 lần cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vận chuyển hành khách trong lĩnh vực đường sắt dẫn đầu với mức tăng 55,1%. Tiếp đó là đường biển (+44,7%); đường thủy (+28,6%); hàng không (+22,2%), cuối cùng, tăng trưởng lượng hành khách thông qua đường bộ đạt 14,6%.
Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa tháng 7 ước đạt 191,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,7% so với tháng trước và luân chuyển 39,7 tỷ tấn.km, tăng 4,8%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.303,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 270,7 tỷ tấn.km, tăng 12,7%.
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.278,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 15,6% và 170,7 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 19,9%; vận tải ngoài nước ước đạt 25,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 2,8% và 100 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 2,2%.
Còn vận tải hàng không tăng nhẹ về vận chuyển (0,7%) nhưng tăng mạnh về luân chuyển (37,3%) so với cùng kỳ năm trước do từ đầu năm nay các hãng hàng không Việt Nam mở lại và mở mới nhiều đường bay quốc tế.
Riêng vận tải đường sắt giảm mạnh 25,5% về vận chuyển do các đơn hàng xuất, nhập khẩu giảm và phải cạnh tranh với vận tải đường thủy khi chi phí cao hơn.
Nỗ lực đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của người dân
Đề cập đến các giải pháp nhằm góp phần đưa sản lượng vận tải tăng cao, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, ở lĩnh vực đường bộ, trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, Bộ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, tích cực thúc đẩy đàm phán song phương, đa phương về hoạt động vận tải đường bộ quốc tế thường niên giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế.
Nhằm tăng thị phần vận tải thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án tuyến vận tải container từ cảng biển khu vực Hải Phòng - Hà Nội, Lạch Huyện - Hà Nam, Hưng Yên.
Trong khi đó, vận tải đường sắt phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa của nền kinh tế, sản lượng hành khách tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu vận tải tăng 138,92% so cùng kỳ 2022. Dự kiến, lưu lượng hành khách trước và sau kỳ nghỉ lễ 2/9 tới đây đi tàu sẽ tăng cao hơn so với ngày thường, do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội tổ chức chạy tàu giữa Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Vinh trong dịp này.
Ngoài ra, ngành đường sắt tiếp tục duy trì chạy tàu an sinh xã hội trên hai tuyến đường sắt: Hà Nội - Đồng Đăng và Gia Lâm - Quán Triều; thiết lập một ga liên vận quốc tế tại Ga Kép tỉnh Bắc Giang, mở ra cửa khẩu quốc tế trong nội địa.
Đặc biệt, ngành đường sắt đang đẩy mạnh khai thác hoạt động vận tải liên vận quốc tế. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ có 8 ga khai thác liên vận quốc tế, trong đó, có một số ga đã đưa vào khai thác.
Gần đây, ngành đường sắt khẩn trương nâng cấp hạ tầng ga Kép (Bắc Giang) đưa vào làm ga liên vận. Sau đó, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng làm việc với tỉnh Bình Dương để xúc tiến tổ chức lại ga liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, tổ chức các kho ngoại quan ICD, logistics. Tại tỉnh Hải Dương cũng đang xúc tiến để tổ chức ga Cao Xá làm ga liên vận.
Còn hoạt động vận tải hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách. Một số đường bay kết nối Việt Nam với quốc tế dần hồi phục như năm 2019 (năm trước đại dịch Covid-19), chủ động trao đổi với các nhà chức trách hàng không liên quan đến việc khôi phục các đường bay quốc tế, mở rộng khai thác đến các thị trường quốc tế mới. Bộ Giao thông vận tải cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, tăng cường chất lượng dịch vụ hàng không.
Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo triển khai Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam; quyết liệt thực hiện việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải tại 22 cảng vụ hàng hải…
Về phát triển logistics kết nối các loại hình vận tải, Việt Nam có 8 trung tâm logistics, 11 cảng cạn và 16 điểm thông quan hàng hóa ICD. Phần lớn các trung tâm đều ở vị trí thuận lợi nên đã hỗ trợ khá hiệu quả cho hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cảng biển.
Với mục tiêu nâng cao hoạt động vận tải, chất lượng dịch vụ, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu tổng thể ngành giao thông vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng phương thức, phát triển thị trường vận tải.