Trong 14 đơn đặt hàng từ 2 sàn thương mại điện tử, một nửa là các sản phẩm thiết yếu, nửa còn lại là đơn mua theo ý thích, cảm xúc, khi Tú Anh tự nhận mình "hứng lên là mua". Những thùng hàng carton xếp chồng lên nhau, ngổn ngang trong phòng ngủ.
Ban đầu, nữ nhân viên làm trong ngành Bảo hiểm khá háo hức với đơn hàng tai nghe không dây có giá vài trăm nghìn đồng từ một shop quốc tế. Song, đây lại là sản phẩm khiến cô thất vọng nhất. Âm thanh tậm tịt, rè nhiễu, hết sạch pin chỉ sau nửa tiếng sử dụng khiến cô ngán ngẩm, quyết định bỏ xó chỉ sau khoảng 2-3 ngày.
"Mình chỉ biết trách bản thân. Lúc đặt mua, mình không phân vân nhiều vì thấy màu sắc tai nghe thời trang, kiểu dáng nhỏ gọn, thay vì tìm hiểu kỹ công dụng, đánh giá từ người mua trước", cô nói với Zing.
Tự nhận bản thân là người dễ mềm lòng trước hai chữ "giảm giá" nhưng cũng thuộc kiểu "cả thèm chóng chán", Tú Anh dễ rơi vào vòng luẩn quẩn “hào hứng - chán nản - hối hận” mỗi lần mua đồ. Và cô không phải là người duy nhất rơi vào trạng thái "hậu săn sale" giống vậy.
Bấm nút đặt hàng khiến nhiều người vui vẻ, nghĩ đến cảm giác sở hữu món đồ tạo ra cảm giác thỏa mãn. Trong những ngày chờ giao hàng, dù đã biết mình sẽ nhận được món đồ gì, người mua vẫn mang tâm trạng háo hức.
Nhưng đến khi cầm gói hàng trên tay, nhiều người lại thất vọng khi sản phẩm không hề như những gì tưởng tượng. Cảm giác vui vẻ, "như thắng một cuộc đua" khi thức khuya giành lấy món đồ thành công biến mất, thay vào đó là cái tặc lưỡi tiếc rẻ.
"No bụng, đói con mắt"
Đó là cách Tú Anh miêu tả tâm lý chi tiêu của bản thân vào các dịp săn sale, tức là dù biết không thiếu đồ, thậm chí dư thừa, cô vẫn có mong muốn mua thêm và nhanh chóng nhấn nút "thanh toán" khi thấy có sản phẩm nào đang hạ giá mạnh hay tình cờ đập vào mắt quần áo, túi xách "hợp gu".
Như nhiều tín đồ mua sắm khác, Tú Anh coi mùa giảm giá cuối năm là thời điểm "vàng" để sắm sửa các thể loại đồ dùng cá nhân, gia đình. Sữa rửa mặt, kem đánh răng cho đến sơn móng tay, ốp điện thoại, tai nghe, dây sạc… đều đặt mua qua vài thao tác nhanh chóng.
“Nhiều lần, đồ mua về mới thấy đâu cần thiết lắm. Quần áo mặc không vừa lại đem cho người thân hay 50 chiếc ốp điện thoại để kín một thùng carton cũng không thể dùng hết”, Tú Anh thừa nhận.
Trái với Tú Anh, Như Nguyễn (27 tuổi, Hà Nội) là người biết tính toán, cân nhắc trước khi xuống tiền mua hàng online.
Dù vậy, cô gái làm ngành Marketing thừa nhận sự cẩn thận vẫn không đảm bảo 100% giúp mình mua về các món hàng chất lượng, đúng ý.
“Như số đông, mình thường ngồi đọc review, cố tìm các nhận xét có thêm hình ảnh thực tế từ người mua trước để so sánh với ảnh shop đăng bán, rồi mới yên tâm đặt hàng”, Như nói về thói quen mua sắm trực tuyến của mình.
Tuy vậy, sau tầm 5-6 lần mua hàng theo review nhưng chất lượng vẫn "hên xui", cô rút ra kinh nghiệm là các đánh giá đó chỉ mang tính tham khảo, không nên tin tưởng hoàn toàn bởi mỗi người có một tiêu chuẩn riêng.
Lần gần nhất, đôi giày giảm 40%, còn 150.000 đồng vào hôm 11/11 dù kiểu dáng, màu sắc đúng với quảng cáo và phần đông người mua đều khen "đẹp", "ngoài giống ảnh", "nên mua", Như vẫn không hài lòng.
Phần đế vừa vặn với đôi chân nhưng dây quai lại bị lỏng, không ôm vào bàn chân, khiến nhiều lần giày bị tuột ra trong lúc di chuyển.
"Từ đầu, mình đã coi việc săn sale online sẽ phải chấp nhận có những 'sai số', rủi ro so với mua trực tiếp ở cửa hàng. Song, một vì mức hạ giá hời, hai là có những shop ở tỉnh xa, mình vẫn chọn gắn bó với hình thức mua bán này. Dù biết là vậy, bản thân vẫn không tránh khỏi cảm giác xót tiền, lãng phí và hụt hẫng nếu đồ không ưng ý".
Bẫy cảm xúc lúc mua sắm
Theo Brain Wellness Spa, mua sắm là hành động có thể tạo ra hạnh phúc ban đầu nhưng đồng thời có thể gây nuối tiếc về sau.
Sẽ luôn có những phiên bản mới, phong cách và mốt mới xuất hiện trên thị trường mà khó ai có thể theo kịp toàn bộ. Dù cố gắng kiềm chế ham muốn mua hàng, mọi người thường không thế tránh được việc "tiêu dùng bốc đồng" và chạy theo xu hướng một cách vô thức.
Theo The Paper, không ít người săn hàng giảm giá sau khi "vung tay quá trán" lại thường mắc kẹt trong cảm xúc nuối tiếc, hối hận.
Một cuộc thảo luận về ngày hội mua sắm 11/11 tại Trung Quốc cho thấy nhiều mặt hàng giảm giá không thực sự khiến người mua tiết kiệm tiền. Thực chất, họ mua bởi muốn "đu theo trend" hoặc vì giá hạ kịch sàn. Kết cục, sau các đợt săn sale, nhiều món đồ bị vứt xó khi chủ nhân chẳng bao giờ đụng tới.
Từng có khoảng thời gian, Thúy Nguyễn (25 tuổi, Hà Nội) đợi, canh đến các ngày đôi như 11/11, 12/12 để đặt một loạt đơn hàng với mức giá rẻ "giật mình".
Lót cốc gỗ. Lọ thủy tinh. Cặp tóc. Khuôn kẻ mắt. Móc khóa. Tất cả đều chỉ có giá khoảng 1.000-2.000 đồng. Hiếm đơn nào vượt qua con số 10.000 đồng.
"Thật sự mức giá quá rẻ nên mình không hề đắn đo, mua cả lố về. Nhưng rất ít món trong các sản phẩm đó hữu ích. Cặp tóc chưa dùng đã hỏng.
Mấy đồ decor (trang trí) nhìn hình đăng bán rất lung linh nhưng mẫu mã thực tế lại kém sắc nét hoặc kích thước ngoài đời thực quá nhỏ. Cứ thế, sau vài ba đợt, mình nhìn quanh phòng đâu cũng thấy đồ linh tinh, gây rác nhà", Thúy kể.
Ngoài ra, giống nhiều bạn gái khác, Thúy trải qua ít nhiều những lần hối hận vì mua quần áo trên mạng. "Có cái ưng nhưng cũng không ít cái đáng thất vọng. Nguyên nhân cũng đủ kiểu: mẫu diện đẹp nhưng lên người mình lại không thể mặc nổi, lúc order size S nhưng hàng về sau 1-2 tháng thì cơ thể đã tăng lên size M", cô bày tỏ.
Hiện giờ, Thúy cho biết bản thân đã biết tiết chế lại, không chi tiền cho những món linh tinh, vặt vãnh mà tập trung vào các sản phẩm thực sự có nhu cầu dùng.
Còn với Tú Anh, ít nhất trong đợt sale Black Friday và ngày đôi 12/12 sắp tới, cô đề ra mục tiêu không đặt đơn hàng nào một cách bốc đồng, thiếu suy xét.
"Với tính cách ngại đổi, trả hàng lằng nhằng, lười đi thanh lý đồ, mình sẽ cố lập danh sách và cân nhắc nhiều hơn với mỗi quyết định chi tiêu. Còn mình khó lòng ngoài cuộc đua săn sale bởi đây vẫn là cách mua sắm với mức giá rẻ nhất", cô khẳng định.