“Có hơn 154.000 thuê bao đã chuẩn hóa thông tin trong tổng số 1,15 triệu thuê bao bị khóa liên lạc 2 chiều”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, nói với Zing.
Sau ngày 15/4, các nhà mạng đã khóa liên lạc 2 chiều gọi đến và gọi đi với 1,15 triệu thuê bao chưa khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo yêu cầu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thuê bao sẽ được mở liên lạc khi người dùng đến các cửa hàng của nhà mạng để chuẩn hóa thông tin, tuy nhiên thời hạn là 30 ngày. Đến ngày 15/5, tức là trong 3 ngày nữa, các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị nhà mạng thu hồi.
Trao đổi với Zing, nguồn tin yêu cầu ẩn danh tại một nhà mạng lớn trong nước cho biết trong 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều, phần lớn là SIM hàng tồn, đăng ký sẵn của các đại lý và SIM không còn sử dụng. Thực tế, đến nay số thuê bao thực hiện chuẩn hóa để được mở lại chỉ chiếm khoảng 13,5% số SIM bị khóa.
Khi đã bị khóa liên lạc 2 chiều, người dùng không thể tự cập nhật thông tin thuê bao tại nhà. Theo ghi nhận của Zing, khi chủ thuê bao đến nhà mạng để chuẩn hóa thông tin, nhân viên của các nhà mạng sẽ mở liên lạc trước để khách hàng có thể nhận tin nhắn chứa mã OTP sử dụng trong quy trình chuẩn hóa.
Trong vòng 4 ngày sau hạn khóa liên lạc 2 chiều, có hơn 33.000 thuê bao thực hiện chuẩn hóa, theo ghi nhận của Cục Viễn thông. Đến nay, khi đã gần hết thời hạn 30 ngày, con số này mới lên đến 154.000. Trước đó, chỉ trong 15 ngày kể từ thời hạn khóa một chiều gọi đi vào ngày 31/3 đến thời hạn khóa 2 chiều vào ngày 15/4 đã có hơn 520.000 thuê bao thực hiện chuẩn hóa.
Từ số liệu này có thể thấy trong tập các thuê bao bị khóa 2 chiều, chủ sở hữu không còn “mặn mà” với việc giữ SIM.
“Khả năng cao là từ nay đến hạn thu hồi số SIM được chuẩn hóa sẽ không tăng đột biến, vì cũng không có cách nào để chuẩn hóa hàng loạt”, vị này cho biết, lưu ý thêm rằng một số đại lý có thể tiếp tục dùng cách đăng ký lại hoặc dùng thông tin người thật để giữ lại được một số SIM.
Việc kinh doanh các SIM đăng ký sẵn thông tin là vi phạm các quy định về quản lý thuê bao. Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, cá nhân đăng ký thuê bao di động cần xuất trình giấy tờ tùy thân, sau đó, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đảm bảo thông tin trên giấy tờ là đúng của cá nhân và ghi nhận vào thông tin thuê bao.
Tại cuộc họp thường kỳ ngày 5/5, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong tháng 5 và 6 sẽ thanh tra trên phạm vi cả nước nhằm xử lý tình trạng vi phạm thông tin thuê bao, thuê sinh viên và lao động tự do đứng tên đăng ký hàng loạt SIM rồi đem bán. Các chủ thuê bao sở hữu từ 10 SIM trở lên bị coi là có dấu hiệu bất thường.