Trong hai ngày 18 - 19/10/2022, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ); Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV); Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên Môi trường) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế chuyên đề "Phát triển khí sinh học tại Việt Nam góp phần thực hiện COP26 – tiềm năng và thách thức".
Xử lý chất thải chăn nuôi tạo kinh tế tuần hoàn
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết giá trị sản xuất chăn nuôi 3 quý vừa qua ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm tháng 8/2022, đàn lợn cả nước có 28,7 triệu con (tăng 6,8% so với cùng kỳ 2021), đàn gia cầm đạt 530 triệu con (tăng 3,6% so với cùng kỳ 2021); tổng đàn trâu hiện có 2,26 triệu con (giảm 0,6%); đàn bò 6,42 triệu con (tăng 3,2 %). Ngoài ra, nước ta có đàn dê 2,66 triệu con và đàn cừu 118 nghìn con.
Hiện cả nước có khoảng 13.752 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 1000 con lợn, bò, dê… trở lên) và khoảng 35.000 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa.
Theo ông Tống Xuân Chinh, năm 2022, tổng lượng chất thải chăn nuôi lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm chiếm 8,1%, bò sữa chiếm 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi.
"Hiện nay trong tổng số 48.622 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn, mới chỉ 1.623 trang trại có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3.806 trang trại có giấy phép môi trường; 40.775 cơ sở có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi và 2.418 cơ sở không có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi".
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong Luật Môi trường, quy định trang trại chăn nuôi từ 1.000 đơn vị vật nuôi trở lên thì phải có đánh giá tác động môi trường; trang trại quy mô từ 100 đến dưới 1.000 đơn vị vật nuôi phải có Giấy phép môi trường; cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ từ 10 đến dưới 100 đơn vị vật nuôi thì phải Đăng ký môi trường.
Về chi phí xử lý chất thải chăn nuôi, ông Chinh nêu quan điểm của Cục Chăn nuôi, đây phải là một chi phí sản xuất bắt buộc của các cơ sở chăn nuôi hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi giá trị để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Chất thải chăn nuôi được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều chu trình sinh học khác, trong đó sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng và nuôi trồng thủy sản hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là những ưu tiên trong những thập kỷ tới. Vì vậy các trang trại, cơ sở chăn nuôi phải nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn của Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Chính phủ đã đề ra Chương trình Hành động Chính sách về Chuyển đổi sang Nông nghiệp và Lương thực Bền vững.
Trong đó, đối với phương án “E5 - Sử dụng khí sinh học thay than, gas cho đun nấu gia đình ở nông thôn”, mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 5% trong tổng số hộ gia đình ở nông thôn sử dụng thiết bị đun nấu sử dụng khí sinh học từ chăn nuôi.
Đối với phương án “E39 - Phát triển điện khí sinh học”: sẽ có 30 MW điện khí sinh học được lắp đặt vào năm 2030 để thay thế cho các nhà máy nhiệt, sau đó tăng lên 150 MW vào năm 2050.
Sôi động thị trường mua bán tín chỉ Carbon
Ông Felix Ter Heegde, Quản lý chương trình Năng lượng - Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), cho biết Chương trình Khí sinh học là một dự án rất thành công tại Việt Nam. Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam khởi đầu từ năm 2003 do Cục Chăn nuôi làm chủ đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản, tổ chức SNV và Quỹ Phát triển năng lượng Endev là nhà tài trợ.
“Đây là dự án giảm phát thải carbon lớn nhất thế giới theo cơ chế tiêu chuẩn vàng tự nguyện, đã được vinh danh 3 giải thưởng quốc tế”, ông Felix Ter Heegde nói.
Theo ông Felix Ter Heegde, khảo sát đến thời điểm hiện tại của ngành chăn nuôi Việt Nam, đã có 41,8% số cơ sở chăn nuôi đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp kỵ khí có hoặc không thu hồi khí sinh học (biogas); có 32,4% số trang trại sử dụng phương pháp xử lý hiếu khí (composting); 21,9% số cơ sở chăn nuôi áp dụng các phương pháp xử lý khác; vẫn còn 3,9% số cơ sở chăn nuôi không xử lý chất thải.
Ông Phạm Đức Thọ, Giám đốc Công ty CP Công nghệ EGreen, cho biết Công ty Cổ phần Công nghệ EGreen có các sản phẩm chính là hệ thống máy phát điện khí sinh học và Sản phẩm lọc khí sinh học. Mặc dù trong số hơn 20 nghìn trang trại nuôi lợn thương mại quy mô lớn trên cả nước, có 41,8% số trang trại đã được trang bị công trình khí sinh học, nhưng phần lớn khí sinh học tạo ra vẫn bị đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường.
Đến nay, EGreen đã lắp đặt hệ thống phát điện khí sinh học tại 300 trang trại chăn nuôi của nông dân, qua đó giúp 3.285.000 tấn chất thải vật nuôi được xử lý đúng cách mỗi năm. Bình quân mỗi trang trại sản suất 96.000 kWh điện sạch mỗi năm, qua đó giảm phát thải các-bon tương đương 370.000 tấn CO2 trong 3 năm đầu.
Ông Phạm Đức Thọ nhận định: Nếu tất cả các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được lắp đặt máy phát điện thì quy mô thị trường điện khí sinh học tại Việt Nam dự tính lên đến 500 triệu USD mỗi năm.
"Tại Việt Nam, nếu toàn ngành nông nghiệp xử lý được phần lớn chất thải để tạo ra khí sinh học, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD",
Ông Hoàng Thanh Hà, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV).
Với tham luận “Tài chính carbon: Xúc tác thúc đẩy cho tiếp cận năng lượng tái tạo”, ông Hoàng Thanh Hà, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) cho biết nhiệt độ bề mặt trái đất có thể tăng 40C vào cuối thế kỷ 21 nếu không có hành động của các quốc gia, tổ chức và các cá nhân.
Nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, các trang trại, doanh nghiệp chỉ có thể chọn một trong 4 phương án: Nộp phí phạt hoặc nộp thuế môi trường; Tự giảm phát thải tại cơ sở sản xuất; Mua tín chỉ giảm phát thải trên thị trường; Đầu tư, thực hiện dự án giảm phát thải carbon.
Trong đó, việc mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến được ngày càng nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa Bên mua và Bên bán.
Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trong nước trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp). Trong đó một bên sẽ trả tiền cho một bên khác để đổi lại một lượng nhất định Giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn doanh thu từ tín chỉ carbon (tài chính carbon) là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường tuân thủ được tạo ra và điều tiết bởi các quy định giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc của quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.
"Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai tại 53 tỉnh, đến nay đã có 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng đã đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn. Thông qua Chương trình, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ các bon. Qua đó, đã đóng góp cho ngân sách 8,1 triệu USD", ông Hoàng Thanh Hà thông tin.