Nội dung chính:
- 3 tín hiệu rõ ràng cho thấy thanh khoản hệ thống đang có xu hướng tích cực, kỳ vọng lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới.
- Ngân hàng Nhà nước mua vào USD, tính mùa vụ và thông tư 26/2022 là những động lực chính hỗ trợ hạ nhiệt lãi suất.
Ông Tuấn nhận định 3 chỉ báo trên thị trường liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất huy động đều đang có có xu hướng giảm.
Đầu tiên, lãi suất liên ngân hàng qua đêm (các nhà băng vay mượn lẫn nhau) đang diễn biến tích cực theo chiều hướng đi xuống, thậm chí hiện nay đã thấp hơn lãi suất điều hành của Fed (Federal Funds Rate). Nếu tình trạng này kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND trong tương lai vì theo quan sát thực tế, khi lãi suất liên ngân hàng giảm sâu thì tỷ giá USD/VND cũng bắt đầu tăng nhanh.
Thứ hai, thời gian gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh. Ví dụ ở kỳ hạn 5 năm - kỳ hạn có thanh khoản lớn nhất - lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm từ mức 4,5%/năm xuống còn 4%/năm. Điều này chứng tỏ ngân hàng có tiền để mua trái phiếu chính phủ, mua càng nhiều lợi suất trái phiếu càng giảm. Trái phiếu chính phủ là thị trường dài hạn vì các ngân hàng thường giao dịch ở kỳ hạn 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm. Khi thanh khoản ổn định, ngân hàng mới có thể đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Cuối cùng, khảo sát lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại đều có xu hướng giảm.
3 chỉ báo trên đều giảm cho thấy thanh khoản thị trường đã hồi phục, ông Tuấn kỳ vọng đỉnh lãi suất đã qua và bước vào xu hướng thuận lợi để giảm lãi suất. Khi lãi suất giảm, các thị trường tài sản mới có khả năng phục hồi.
Ông Tuấn cho rằng lãi suất cho vay duy trì ở mức quá cao sẽ là điểm cản trở doanh nghiệp. Ở mức chi phí vốn quá cao, doanh nghiệp sẽ không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh.
“Tôi kỳ vọng lãi suất cho vay dưới con số 10%/năm. Nếu chi phí tài chính trên 10% thực sự rất khó khăn cho doanh nghiệp” - Ông Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý nhà đầu tư vẫn cần quan sát thêm những rủi ro phi hệ thống có thể xảy ra như: đáo hạn trái phiếu, trái chủ mất khả năng thanh toán, thông tin xoay quanh thị trường bất động sản,...
Lãi suất hạ nhiệt do đâu?
Ông Tuấn nhận định việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào USD là động lực hỗ trợ lãi suất hạ nhiệt. Tháng 1/2023, tỷ giá liên ngân hàng thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN, do đó các ngân hàng thương mại đã bán USD cho NHNN để thu về khoảng 64.000 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản.
Đồng thời, tính mùa vụ cũng là yếu tố hỗ trợ lãi suất giảm. “Thông thường, tháng Giêng là tháng ăn chơi, các ngân hàng cũng phải nghỉ ít nhất qua rằm (tức 15/1 âm lịch) mới có giao dịch vay. Thứ nhất, lãi suất đang ở mức cao. Các doanh nghiệp cũng nhìn thấy lãi suất có xu hướng giảm nên không vay nhiều” - ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, Thông tư 26/2022 cũng hỗ trợ thanh khoản thị trường. Việc thay đổi cách tính số dư tiền gửi đã tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống. Theo đó, Thông tư 26/2022 cho phép tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước được tính vào tổng huy động với tỷ lệ khấu trừ nhất định theo thời gian, trong khi quy định cũ không đưa tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động. Ông Tuấn ước tính khoảng hơn 150.000 tỷ đồng có thể được tính thêm vào dư địa cho vay của các ngân hàng, nhờ đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay.
3 yếu tố trên là chỉ báo rõ ràng cho thấy thanh khoản hệ thống tích cực lên, từ đó ông Tuấn kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. “Đây là tin tích cực đối với giới đầu tư và người tham gia giao dịch trên các thị trường tài sản” - ông Tuấn nói.
Đối với lãi suất điều hành của NHNN, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi thêm hướng đi của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Báo cáo chỉ số CPI tháng 1/2023 của Mỹ vừa công bố cho thấy lạm phát nước này tăng cao hơn kỳ vọng. Ông Tuấn dự báo lãi suất điều hành sẽ không có nhiều thay đổi.
Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Lãi suất tiền gửi thị trường hạ nhiệt? Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.