Luật hiện hành quy định, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hiện phải đóng 20 năm.
Không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhiều người chọn rút bảo hiểm một lần
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết, thực tiễn quá trình tổng kết, đánh giá chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành thời gian qua, nếu vẫn quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu phải đủ 20 năm sẽ gây khó khăn cho một số nhóm đối tượng nhất định.
Đơn cử như những người mới bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia); những người tham gia bảo hiểm xã hội sớm, nhưng quá trình đóng bị gián đoạn nên khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không đáp ứng đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội.
“Khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì xu hướng là người lao động sẽ lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, ông Nguyễn Duy Cường nói.
Do vậy, để tạo cơ hội mở rộng diện bao phủ đối tượng được hưởng lương hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Theo ông Cường, việc giảm thời gian đóng xuống 15 năm chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định, chủ yếu là nhóm tham gia bảo hiểm xã hội muộn do không có điều kiện đóng dài, chứ không phải tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Với nguyên tắc đóng - hưởng trong bảo hiểm xã hội thì người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài sẽ được hưởng tỷ lệ hưởng lương hưu cao và mức lương hưu cao hơn.
“Những người không có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội dài, có thể hưởng mức lương hưu khiêm tốn hơn, nhưng họ vẫn có nguồn thu nhập lương hưu ổn định hằng tháng khi về già. Đặc biệt là có bảo hiểm y tế đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động”, ông Nguyễn Duy Cường nhìn nhận.
Giảm năm đóng nhưng vẫn giữ nguyên cách tính lương hưu
Về tỷ lệ hưởng lương hưu, luật hiện hành quy định, từ năm 2022, đối với lao động nam nghỉ hưu, cứ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ này với nữ tương ứng 15 năm đóng.
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm, theo tính toán mức hưởng cho 15 năm đóng chỉ còn 33,75%, trong khi đó nữ vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%.
Lý giải về sự khác biệt trong mức hưởng của nam và nữ, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường cho rằng, nếu như ở các lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trước đây, việc đảm bảo cân đối, tính bền vững, ổn định lâu dài của Quỹ bảo hiểm xã hội được ưu tiên, thì lần này quan điểm chung là ưu tiên hơn cho việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, để nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu.
Vì vậy, công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội các năm 2006, 2014.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 từng quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam và nữ để hưởng 45%. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sửa đổi Luật năm 2006 đã điều chỉnh tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu của nam lên 20 năm, song với lao động nữ vẫn giữ nguyên 15 năm đóng để hưởng tỷ lệ 45%.
Do đó, giảm năm đóng nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch.
Đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là một trong những nội dung lớn, nhận được sự quan tâm của người lao động trong thời gian qua. Trước đó, khi thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho biết nhận được hai luồng ý kiến khác nhau.
Ngoài ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc giảm số năm đóng xuống 15 năm thì còn ý kiến đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành, nhằm đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp.
Ngoài ra, ý kiến cũng lo ngại quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người lao động tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.
Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, quy định giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hằng tháng xuống 15 năm không áp dụng cho mọi nhóm đối tượng, trong đó có trường hợp nghỉ hưu sớm, những người này vẫn phải đóng đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Lý giải về quy định này, Ban soạn thảo cho rằng, đối với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ sớm hơn tuổi quy định sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Nếu áp dụng quy định trên với nhóm này sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp (thời gian đóng ngắn, bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi), dẫn đến mức lương hưu rất thấp.
Cụ thể, lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%.
Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp cuối tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, có hiệu lực từ 1/7/2025.