Năm 2023, các doanh nghiệp ngành thép đều lên kế hoạch kinh doanh có lãi trở lại, dựa trên giả định thời điểm khó khăn nhất của ngành đã qua.
Tuy nhiên, những biến động trên thị trường tài chính-kinh tế trong và ngoài nước liên tục xuất hiện khiến các doanh nghiệp thép "vui buồn lẫn lộn". Những 'biến số' đến từ sự đóng băng của thị trường bất động sản Trung Quốc; giá thép thanh tại Trung Quốc giảm mạnh, hay trong nước EVN đã chính thức tăng giá điện và NHNN có động thái hạ lãi suất lần thứ 3 kể từ đầu năm,... đều có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép Việt Nam trong ngắn hạn.
Nhiều thông tin bất lợi
Giá thép trong nước và thế giới quay đầu giảm mạnh
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 5-6 đợt điều chỉnh giảm, tuỳ thương hiệu sẽ có tần suất điều chỉnh giá khác nhau.
Sau các đợt điều chỉnh, thép xây dựng đang ở mức giá 14,62-15 triệu đồng/tấn với thép cuộn CB240 và khoảng 15-15,5 triệu đồng/tấn với thép vằn thanh D10 CB300. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại trên các doanh nghiệp thép trong thời gian tới dù mức độ có thể không lớn như giai đoạn tồn kho cao kỷ lục giữa năm ngoái.
Trên thế giới, sau những tín hiệu hồi phục đầy tích cực trong quý 1, theo dữ liệu từ tradingeconomics, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc kể từ giữa tháng 5 lại cho thấy dấu hiệu “lao dốc”, giảm về mức thấp nhất trong vòng gần 7 tháng và cũng tiệm cận với vùng đáy 2 năm của loại hàng hóa này.
Nhu cầu yếu tại thị trường Trung Quốc
Trong báo cáo cập nhật gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới-Trung Quốc đang trải qua giai đoạn thiếu thông tin dẫn dắt khi các tín hiệu tích cực và tiêu cực đan xen nhau ảnh hưởng lên giá Hợp đồng tương lai nguyên liệu và thành phẩm thép.
Cuối tuần trước, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm về mức thấp nhất trong 2 tháng do lạm phát kém so với kỳ vọng. Giá tiêu dùng tháng 4 của Trung Quốc công bố mới đây cho thấy mức tăng chậm nhất trong hơn hai năm qua. Điều này dấy lên lo ngại về rủi ro giảm phát trong cộng đồng sản xuất công nghiệp.
Thị trường bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang trông chờ vào một biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và hiệu quả hơn từ Chính phủ, mặc dù trước đó PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng và định hướng giảm lãi suất tiền gửi để thúc đẩy tín dụng.
Theo VDSC, hoạt động cho vay hộ gia đình đang yếu đi, phần lớn là do vay thế chấp cho thấy tốc độ bán bất động sản tại Trung Quốc đang dần trở nên ảm đạm. Báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu ngành BĐS-XD đưa ra quan điểm rằng thị trường không nên đặt nhiều kỳ vọng vào nhu cầu xây dựng vào cuối năm nay.
Giá điện tăng 3% có thể trở thành rào cản lợi nhuận cho nhóm thép
Hay thông tin EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ đầu tháng 5 cũng gây áp lực không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất thép. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng việc tăng giá bán lẻ điện xét trên nhiều phương diện có thể gây ra ảnh hưởng không tích cực lên một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điệnnhư Xi măng, Hóa chất, Luyện kim (Thép), Giấy.
Với giả định chi phí điện tăng thêm và doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, Mirae Asset ước tính chi phí điện tăng 3% có thể khiến tổng lợi nhuận trước thuế ngành Thép giảm 15%.
Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ, giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận, đâu đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.
'Điểm sáng' cho bức tranh lợi nhuận ngành thép?
Mới đây, NHNN đã thay đối mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1-6 tháng từ mức 5,5%/năm xuống mức 5%/năm và sẽ được áp dụng từ ngày 25/05/2023.
Đánh giá tác động của việc giảm lãi suất huy động từ 5,5% xuống 5% với kỳ hạn 1-6 tháng, Mirae Asset (MASVN) cho rằng có thể ảnh hưởng tới những nhóm ngành có tổng nợ vay lớn.
Nhóm phân tích Mirae Asset giả định lãi suất huy động giảm có thể kỳ vọng lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng cũng được kéo xuống mức thấp hơn 5%/năm và kỳ vọng xuống thấp hơn 11% đối với cho vay trung và dài hạn. Dựa trên giả định này, một số kịch bản về giảm lãi suất sẽ tác động tới cải thiện lợi nhuận trước thuế của một số ngành cho nửa cuối năm 2023. MASVN ước tính mức lãi suất cho vay giảm sẽ tác động tích cực gia tăng lợi nhuận trước thuế ở một số nhóm ngành có tỷ lệ nợ vay lớn.
“Với kịch bản trung tính, mức giảm lãi suất cho vay xuống 0,5%, sẽ giúp cho ngành Thép có phần cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế lớn nhất ở mức 4,2%, và nhóm thực phẩm có mức biến động thấp nhất với 1,1%”, Mirae Asset nhận định.