Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có cơ chế để phát huy quỹ đất dọc 2 bên đường sắp xây dựng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không thất thoát nguồn lực.
Xem xét các dự án giao thông quan trọng là một trong những nội dung Quốc hội dành nhiều thời gian tại kỳ họp thứ 3. Nhiều đại biểu tỏ ra quan tâm đặc biệt đến việc quản lý và sử dụng quỹ đất dọc 2 bên đường, làm thế nào để có nguồn lực xây dựng cũng như cơ chế giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của Chính phủ, đường vành đai 3 của TP.HCM dài 76,34 km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.000 tỷ đồng .
Còn dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô dài khoảng 113 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 86.000 tỷ.
Khai thác quỹ đất để không tiêu tốn ngân sách
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đường vành đai 4 hình thành sẽ biến các vùng đất đang được sử dụng không hiệu quả với giá trị thấp thành trung tâm công nghiệp, thương mại, đô thị trong tương lai. Điều này vừa có ý nghĩa phân bố lại hoạt động kinh tế trong vùng, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
"Mới nghe Quốc hội thảo luận, giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất là rất lớn", ông nói.
Đại biểu cho rằng nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng 2 tuyến đường sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường.
Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác một cách hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất 2 bên đường. Theo đó, cần quy hoạch vùng lân cận 2 bên đường thành các đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực).
Mới nghe Quốc hội thảo luận, giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất là rất lớn
Đại biểu Hoàng Văn Cường
Ngoài ra, cần tổ chức đấu thầu các dự án phát triển trung tâm trên kèm theo nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với đường vành đai và hệ thống giao thông trong vùng.
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc Dân cũng đề nghị đấu thầu dự án phát triển đô thị đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh của thị trường và công cụ định giá xác định giá trị thị trường.
Cơ chế này khi được áp dụng, theo đại biểu Cường, sẽ thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển đồng bộ các trung tâm phát triển hiện đại. Như vậy, Nhà nước không phải tốn ngân sách xây dựng đường song hành hay đường gom, mà còn có thêm nguồn lực đóng góp vào ngân sách.
Có nên phát hành trái phiếu để làm đường?
Về nguồn lực, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Long An) đề nghị phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường. Ông đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện cho địa phương không phát hành trái phiếu để đảm bảo được bố trí đủ vốn và kịp thời.
Ngược lại, đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) cho rằng nếu cần thiết thì vẫn nên phát hành trái phiếu, tận dụng nguồn lực xã hội.
"Nguồn lực trong dân còn rất nhiều, trong khi họ vẫn đầu tư vào doanh nghiệp bất động sản có nhiều rủi ro, thì nên thu hút vào dự án trọng điểm quốc gia", ông nói.
Vì liên quan trực tiếp đến 10 địa phương có các tuyến đường vành đai đi qua, chủ tọa ưu tiên mời đại biểu tại những địa phương này nêu ý kiến. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng quy hoạch và hình thái đô thị vùng thủ đô và vùng TP.HCM đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân 2 siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với nhiều điểm nghẽn.
Ông nhấn mạnh một trong những sứ mệnh quan trọng của tuyến đường là tái cấu trúc hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng thủ đô với 10 tỉnh, thành phố.
Đại biểu đặt vấn đề làm sao để dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.
Sứ mệnh quan trọng của tuyến đường vành đai 4 là tái cấu trúc hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng thủ đô với 10 tỉnh, thành phố
Đại biểu Nguyễn Phi Thường
Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh vành đai cao tốc, đại biểu Thường lưu ý tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistics, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Ông Nguyễn Phi Thường đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ.
Đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay phát sinh vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng.
"Nếu cần thiết thì trong dự thảo nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này", ông nói.
Tính xa bài toán giải phóng mặt bằng và vấn đề phát sinh
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh một lần đối với cả 2 dự án, cũng như giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh với nút giao liên thông. Phương án này tránh được tình huống phức tạp, gây mất ổn định đời sống cho người dân khi thực hiện giải phóng còn nhiều lần.
Đại biểu cho rằng cần có biện pháp bảo đảm không tái lấn chiếm. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện cơ quan thẩm định dự án của Chính phủ trước khi trình Quốc hội - khi phát biểu giải trình thêm.
Bên cạnh đó, đại biểu Đồng Tháp đề nghị chọn phương án dải phân cách cứng như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để đảm bảo tiết kiệm diện tích sử dụng đất, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian thi công.
Là một trong những người phát biểu cuối, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh một vùng đô thị lớn như ở Hà Nội và TP.HCM với khoảng 20 triệu dân, thì cần triển khai sớm, tạo tiền đề cho sự phát triển.
Nhưng ông cũng cho rằng Quốc hội cần tính toán sớm đến việc giải phóng mặt bằng và vấn đề phát sinh khi triển khai dự án. Đại biểu đề xuất có cơ chế thống nhất đền bù, giải phóng mặt bằng ở các địa phương; thiết lập một ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thống nhất và đủ thẩm quyền.
"Nếu có vấn đề phát sinh mới, ban chỉ đạo này chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết. Kinh nghiệm của chúng tôi là khi làm dự án sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề", ông nói.