MSB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng. Ảnh: MSB.
Theo đó, MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại ngày 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.
Tỷ lệ phát hành là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu.
Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành của nhà băng dự kiến là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ đạt 26.000 tỷ đồng. Như vậy sau hơn 3 năm niêm yết cổ phiếu trên HoSE, MSB có thể đạt mức vốn điều lệ hơn 1 tỷ USD.
"Việc tăng vốn điều lệ tạo động lực nâng vị thế cạnh tranh của ngân hàng theo quy mô, hỗ trợ bộ đệm vốn, giữ hệ số an toàn vốn CAR ở mức cao đồng thời góp phần thúc đẩy dòng chảy tín dụng", lãnh đạo MSB chia sẻ.
Về kết quả kinh doanh quý I, lãnh đạo MSB cho biết đến cuối tháng 3, tổng tài sản ngân hàng đã đạt 280.000 tỷ đồng, tăng trên 4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng trên 5%, cho vay khách hàng đạt 158.000 tỷ đồng (+4,7%); tiền gửi khách hàng đạt 138.000 tỷ đồng (+4,1%).
Với các chỉ tiêu tài chính này, MSB báo lãi trước thuế 1.500 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Năm 2024, MSB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu ước đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp, dự kiến cả năm có thể đạt khoảng 178.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng 17%, đạt 6.800 tỷ đồng.
Lãnh đạo MSB dự báo năm 2024 sẽ khó khăn hết 6 tháng đầu năm, nhưng tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra.
Trong cuộc họp cổ đông thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ sẽ được MSB trình đại hội phê duyệt kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ tối đa 15% bằng tiền hoặc cổ phiếu.