“Chúng tôi nhìn thấy các nạn nhân bước ra từ khu nhà và toàn bộ cơ thể đầy vết bầm tím. Có một số người nhảy ra khỏi cửa sổ từ tầng bốn, vì họ không thể chịu đựng được các màn tra tấn nữa”, bà Mina Chiang, nhà sáng lập kiêm giám đốc của dự án chống lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại và buôn người Humanity Research Consultancy chia sẻ với Zing.
Những màn tra tấn và bi kịch mà bà Chiang đề cập xảy đến với các nạn nhân bị lừa đảo và đến Campuchia theo lời dẫn dụ của những người trước đó không hề quen biết.
Pipi (24 tuổi) làm việc trong ngành thẩm mỹ và là một huấn luyện viên thể hình tại Đài Loan. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại hòn đảo, cô đã mất việc.
Cuối tháng 6, Pipi bất ngờ thấy quảng cáo của nhà tuyển dụng về một công việc lương cao tại Campuchia trên Facebook. Sau khi tìm hiểu, dù vẫn còn mơ hồ về thông tin công việc nhưng cô vẫn quyết định đến Campuchia theo lời nhà tuyển dụng mà cô cho là “đáng tin cậy”.
Tương tự, Yu Tang - một cô gái trẻ từ Đài Loan - cho biết cô cũng được một người phụ nữ Đài Loan liên lạc qua Facebook vào tháng 4. Người này giới thiệu cho cô công việc tại Campuchia và hứa hẹn sẽ trả tiền vé máy bay cho cô để đến quốc gia Đông Nam Á làm việc.
Yu Tang đáp chuyến bay đến Phnom Penh sau đó.
Điểm chung giữa Pipi và Yu Tang không chỉ là cùng cách thức được hứa hẹn sẽ nhận được công việc với mức lương hậu hĩnh mà còn là những gì diễn ra sau đó với họ tại xứ người.
Sau khi đến Campuchia, hộ chiếu của Pipi và Yu Tang bị nhóm người hướng dẫn tịch thu. Họ bị đưa đến những cơ sở của các nhóm lừa đảo qua mạng và bị bắt làm việc cho chúng.
Tại đây, Yu Tang chứng kiến cảnh tượng những nạn nhân "xấu số" như cô bị đánh đập vì dám chống đối bọn tội phạm. Chỉ trong vòng một tuần, Pipi đã vô số lần bị lạm dụng, giam giữ, sốc điện và quấy rối tình dục.
Giống như Pipi và Yu Tang, phần lớn các nạn nhân người Đài Loan bị “sập bẫy” buôn người là do tin vào các lời quảng cáo công việc không hề tồn tại. Cách thức lừa đảo của những nhóm tội phạm buôn người ngày càng trở nên tinh vi hơn cũng khiến nhà chức trách đau đầu.
“Internet đã giúp những tội phạm buôn người dễ dàng quảng cáo các cơ hội việc làm giả mạo và giao tiếp ẩn danh với các nạn nhân mà chúng hướng đến”, ông Ryan Goehrung - chuyên gia về khoa học chính trị, nghiên cứu về nạn buôn người tại Đại học Washington (Mỹ) - nhận định.
Những tội phạm không đơn độc
Đầu tháng 8, cơ quan cảnh sát Đài Loan (NPA) cho biết dựa trên hồ sơ chuyến bay, gần 5.000 người dân hòn đảo này đã đi du lịch đến Campuchia và vẫn chưa trở về.
Hôm 21/8, các nhà chức trách đã xác định được ít nhất 370 người trong số họ bị giam giữ trái ý muốn. Cơ quan này cũng lưu ý con số nạn nhân thực tế có thể lên đến hơn 2.000 người.
Campuchia từ lâu đã trở thành điểm nóng của nạn buôn người với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi khác nhau.
Theo bà Mina Chiang, Campuchia là một trong những quốc gia tồn tại vấn nạn buôn người lớn nhất hiện nay.
“Quy mô của nạn buôn người ngày nay là điều mà chúng ta chưa từng thấy trước đây, vì nó thực sự rất lớn so với bất kỳ loại hình nô lệ hiện đại nào khác mà chúng ta chưa từng biết”, bà Chiang cho hay.
Bà cũng khẳng định vấn nạn này không chỉ xuất hiện ở Campuchia mà còn ở Myanmar, thậm chí lan sang cả Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất).
Phần lớn nạn nhân Đài Loan đều được những tội phạm buôn người hứa cung cấp chỗ ở và công việc với mức lương cao ở Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Lào.
Khi đến nơi, các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu và bị bán cho nhiều nhóm khác nhau. Họ bị buộc phải làm việc trong các văn phòng điều hành các vụ lừa đảo bất hợp pháp qua điện thoại hoặc trực tuyến, theo Guardian.
Nhận định về xu hướng lừa đảo này, ông Ryan Goehrung cho rằng: “Sự cô lập và không quen thuộc với một địa điểm của nạn nhân khiến những tội phạm buôn người dễ dàng kiểm soát nạn nhân hơn”.
“Nếu nạn nhân đi vào quốc gia mà những tội phạm buôn người hoạt động, họ thường cố gắng tìm cách kiểm soát hộ chiếu hoặc thị thực để nạn nhân không thể trốn thoát”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng những tội phạm buôn người ở Campuchia không hành động đơn độc.
Từ ngày 22/8 đến 24/8, cảnh sát Đài Loan cho biết có 8 người đã bị bắt vì đăng thông tin tuyển dụng trên các nền tảng mạng xã hội. Những người này cũng bị cáo buộc xử lý hộ chiếu và vé cho những nạn nhân tin vào những lời hứa liên quan đến những công việc lừa đảo ở Campuchia, theo Central News Agency (CNA).
“Chắc chắn là có sự hợp tác giữa các nhóm tội phạm khác nhau”, bà Chiang nhận định.
Bà cũng nói thêm rằng có đủ loại tội phạm tham gia vào đường dây buôn người ở Campuchia. Những băng nhóm tội phạm ở Đài Loan không nhất thiết phải là người đứng sau toàn bộ vụ buôn người nhưng các nhóm này có thể đóng vai trò là bên dụ dỗ nạn nhân.
“Đó là một sự phân công lao động rất chi tiết”, bà nói.
Theo Guardian, trong số những người bị lừa bán sang Campuchia, nạn nhân Đài Loan là một trong những nhóm chiếm số lượng cao nhất.
Lý giải về điều này, bà Mina Chiang cho rằng do phần lớn các tội phạm điều hành đường dây buôn người ở Campuchia là người Trung Quốc đại lục và Đài Loan nên những nạn nhân mà nhóm này nhắm tới là những người biết nói tiếng Hoa tốt.
“Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất khó để bọn tội phạm tiếp tục lừa đảo thêm người Trung Quốc đại lục. Vì vậy, chúng bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những nạn nhân là người Đài Loan, Malaysia, Singapore hoặc Hong Kong - những người có thể nói hoặc thành thạo tiếng Hoa”, bà Chiang cho biết.
“Không nên coi nạn nhân là người xấu”
Từ những vụ việc phản ánh liên tục trên báo chí trong năm 2022, bà Chiang cho biết các chính phủ trong khu vực đã thực hiện một số biện pháp ngăn chặn như: Gỡ bỏ các “bẫy” tuyển dụng của những nhóm tội phạm buôn người trên các website, phát hiện và giải cứu những nạn nhân trong diện tình nghi ngay tại các sân bay.
Tính đến giữa tháng 8, cơ quan đối ngoại và cảnh sát Đài Loan đã nhận được yêu cầu giúp đỡ từ 340 người Đài Loan được cho là đã “sập bẫy” các vụ lừa đảo việc làm ở Campuchia, CNA đưa tin.
Hôm 14/8, cơ quan điều tra tội phạm của Đài Loan cho biết trong bối cảnh số lượng người Đài Loan trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo việc làm ở Campuchia tăng đột biến, chính quyền hòn đảo đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giải cứu những người Đài Loan bị mắc kẹt ở Campuchia và hỗ trợ đưa các nạn nhân về nước.
Đồng thời, lực lượng này cũng giữ vai trò ngăn chặn những người khác bị lừa vào tình huống tương tự xảy ra.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng việc phối hợp giữa lực lượng chức năng các quốc gia là rất cấp thiết và cần có nhiều cuộc trao đổi, hợp tác nhằm giải cứu các nạn nhân đang bị giam giữ tại các trung tâm lừa đảo và đẩy lùi nạn buôn người xuyên biên giới.
Trong các cuộc truy quét tội phạm tại những trung tâm lừa đảo ở tỉnh Sihanoukville, giới chức Campuchia phát hiện nạn nhân đến từ nhiều nơi ở châu Á như Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong, Việt Nam, Lào hay cả từ Kenya, Myanmar, South China Morning Post đưa tin.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện không rõ tung tích của khoảng 10.000 người Đài Loan và Thái Lan tại Campuchia, trong khi hàng trăm công dân Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đã được giải cứu khỏi những trung tâm lừa đảo.
“Điều cần thiết là thực hiện các vụ bắt giữ những tội phạm lừa đảo, giúp đỡ các nạn nhân với sự hợp tác của Campuchia và các nước có công dân bị giam giữ tại những sòng bạc ở Campuchia”, bà Chiang nhấn mạnh.
Theo CNA, với nỗ lực chung giữa Đài Loan và Thái Lan, 9 người Đài Loan bị lừa sang làm việc tại Campuchia đã được đưa về nước vào ngày 14/8.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng chính quyền cũng cần chú trọng đến công tác chăm sóc các nạn nhân sau khi được giải cứu.
Bà Chiang cho rằng các nạn nhân sau khi rơi vào bẫy lừa đảo, bị đánh đập, đe dọa đã buộc phải thực hiện những chiêu thức lừa đảo đối với chính những đồng bào của mình để trả nợ cho các băng nhóm Trung Quốc ở Campuchia.
Tuy nhiên, chính điều này khiến cho những nạn nhân sau khi trốn thoát rơi vào cảnh bị ghét bỏ và bị phê phán.
Đồng quan điểm, bà Kaili Lee thuộc tổ chức Garden of Hope của Đài Loan cho biết nhiều nạn nhân bị đối xử như là kẻ xấu. Với những người trốn thoát, nghi vấn đồng lõa trong việc lừa đảo đồng hương sẽ làm phức tạp thêm quy trình pháp lý.
“Chúng ta phải coi những người này là nạn nhân. Họ phải sinh tồn, nên họ buộc phải phạm tội. Đây thực sự là vấn đề về nhân quyền”, bà Lee nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Ryan Goehrung, ngoài việc giải cứu nạn nhân, chính quyền các nước cũng cần có những giải pháp ngăn chặn dài hạn như đầu tư vào giáo dục và phát triển kinh tế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
“Giáo dục có vai trò quan trọng đối với cả việc gia tăng cơ hội kinh tế và giúp người dân nhận thức được những rủi ro và nguy hiểm của buôn bán người. Đồng thời, đây cũng là cách giúp mọi người nhận thức được quyền lợi của họ khi tham gia quan hệ lao động”, ông Goehrung nói.