"Chúng tôi vừa nhận được thông báo từ tổ trưởng, hiện cảnh sát đang tăng cường truy quét khu vực. Mọi người ở đây phải chuẩn bị tinh thần có thể di chuyển, lẩn tránh đi nơi khác nếu cơ quan chức năng ập tới", Văn Thanh - 25 tuổi, lao động người Việt đang làm tại TP Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia), chia sẻ với Zing. Qua điện thoại, giọng kể của Thanh gấp gáp, hoảng sợ và đứt quãng.
Lý giải cho tâm lý này, Thanh nói: "Đi tới nơi khác là hết cơ hội quay về Việt Nam nên tôi rất hoảng loạn, tôi chỉ còn biết cầu nguyện".
Biết bị bóc lột, vẫn phải ký bản tự nguyện làm việc
Tin tưởng việc nhẹ lương cao, Văn Thanh vượt biên qua Campuchia từ tháng 7. Gần 3 tháng qua, với anh nơi này không khác gì "địa ngục trần gian".
Trái với lời hứa hẹn ban đầu, Thanh phải làm việc liên tục 12 giờ mỗi ngày. Công việc chủ yếu là tìm khách hàng chơi game qua mạng, dụ dỗ họ cá cược rồi lừa đảo. Mức lương nhận về mỗi tháng gần 800 USD nếu đủ chỉ tiêu.
"Bây giờ tôi chỉ còn 10 USD và 500.000 đồng Việt Nam. Trong khi mức chuộc thân gần 100 triệu đồng. Gia đình ở Việt Nam thì nghèo, không đủ số tiền lớn để chuộc tôi về"
Văn Thanh
Trái lại, không lừa đủ lượng khách hàng và số tiền theo yêu cầu của chủ, mỗi tháng Thanh đều bị phạt trừ lương, nhận về chưa tới 500 USD . Số tiền này anh chi cho việc ăn uống, sinh hoạt và nộp tiền cho khách hàng để họ chơi game nhằm tăng chỉ tiêu.
"Bây giờ tôi chỉ còn 10 USD và 500.000 đồng Việt Nam, trong khi mức chuộc thân gần 100 triệu đồng. Gia đình ở Việt Nam thì nghèo, không đủ số tiền lớn để chuộc tôi về. Tôi không biết cầu cứu ai", nam thanh niên chua chát nói.
Nhớ lại lúc mới sang Campuchia một thời gian, Thanh kể bị ông chủ gọi lên và bắt ký vào "đơn tự nguyện làm việc" - tờ đơn được viết bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Trung và Việt Nam.
Không rành tiếng Trung và Anh, Thanh lướt nhanh phần tiếng Việt, hiểu sơ nội dung cam kết tự nguyện làm việc ở tại đây, được nhận lương đầy đủ, không bị bóc lột làm việc quá giờ.
Thừa hiểu công việc được giao trái ngược hoàn toàn với lời cam kết trong tờ đơn ấy, nhưng Thanh, cùng nhiều đồng nghiệp khác, buộc phải ký, bởi nếu chống đối, họ sẽ bị bán đi nơi khác.
"Nếu bị bán đi, số tiền chuộc thân sẽ tiếp tục tăng gấp nhiều lần, mà cũng không biết còn sống sót để về Việt Nam hay không", Thanh giải thích lý do ký vào giấy tự nguyện làm việc.
Mỗi lần bị bán, tiền chuộc thân sẽ tăng thêm
Thời gian làm việc tại Campuchia, nơi anh Thanh sợ nhất là tầng chuyên dùng để đánh người. Những ai có ý định bỏ trốn, không tập trung làm việc sẽ bị đem lên đây đánh đập, tra tấn.
Một người có hoàn cảnh như anh từng chạy trốn chạy, tung tích của người này đến nay vẫn là một bí ẩn, không ai biết đã trốn thoát hay bị bắt lại. Nhưng khi đó, Thanh cho biết tất cả thành viên ở chung phòng với người bỏ trốn đều được đưa đi thẩm vấn. Camera cũng được lắp đặt khắp nơi, sinh hoạt của các lao động Việt được kiểm soát chặt chẽ.
"Chỉ cần 2 người làm việc cự cãi nhau, không cần biết lỗi của ai, cả 2 đều bị lôi lên tầng 5 đánh. Không ai có thể bỏ trốn được qua 2 bức tường cao hơn 5 m với nhiều kẽm gai", Thanh nói.
Trải qua những ngày khổ ải, điều Thanh lo lắng nhất hiện nay là chỉ tiêu công việc được giao đã tăng cao hơn trước. Anh buộc phải tìm thêm nhiều khách hàng mới, lừa đảo thêm nhiều người. Nếu không đạt, sang tháng 10, Thanh sẽ bị bán qua công ty khác. Việc này có nghĩa số tiền chuộc sẽ gấp nhiều lần, đường trở về quê ngày một xa hơn.
"Từng có ý định tự tử vì không chịu nỗi cảnh sống hà khắc này, nhưng tôi vẫn còn hy vọng cuối cùng là chờ được giải cứu về Việt Nam"
Văn Thanh
Tình trạng của Thanh cũng giống như rất nhiều người Việt Nam khác, vì lời hứa "việc nhẹ lương cao" mà bị lừa sang làm việc ở các cơ sở tại Campuchia.
Cùng chung mong ước kiếm tiền gửi về gia đình để "thoát nghèo", song cũng chính họ, phải chịu chung cảnh bị lừa đảo, đánh đập, bóc lột đến mức không còn đường trở về quê hương.
Ngày 21/9, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 92 công dân Việt Nam trở về từ Campuchia.
Trong số 92 được tiếp nhận, có 71 người chạy thoát khỏi casino Lucky 88 ở TP Bavet, tỉnh Svay Rieng (Campuchia) ngày 17/9 vừa qua và 21 người dân không có giấy tờ tuỳ thân được lực lượng chức năng Campuchia trao trả.
Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh sau khi hoàn tất các thủ nhận bàn giao từ chính quyền Campuchia sẽ đưa người dân vào Trạm biên phòng Mộc Bài để tiếp tục công tác xác minh, làm rõ.
Về phía Campuchia, Chính phủ gần đây đã ra tuyên bố mạnh mẽ đối với nạn đánh bạc trái phép. Ngày 21/9, giới chức Campuchia tiếp tục bắt giữ hơn 150 người nước ngoài trong một loạt cuộc đột kích trên khắp đất nước theo yêu cầu mạnh mẽ của Thủ tướng Hun Sen.
Những động thái mạnh mẽ này cũng chính là tia hy vọng với những người như Thanh, như hàng trăm lao động Việt đang bị giam lỏng, bóc lột trong một số cơ sở làm việc ở Campuchia.
"Từng có ý định tự tử vì không chịu nỗi cảnh sống quá hà khắc này, nhưng tôi vẫn còn hy vọng cuối cùng là chờ Đại sứ quán hay cơ quan công an vào cuộc, giải cứu chúng tôi trở về Việt Nam", qua điện thoại, giọng Thanh vẫn hiện lên vẻ đượm buồn, và chờ mong.