Nội dung chính:
- GDP Mỹ tăng 2,6% trong quý III, cao hơn mức dự báo.
- Thâm hụt thương mại thu hẹp, chi tiêu của chính phủ và người tiêu dùng gia tăng đã thúc đẩy kết quả này.
- Vẫn còn cơ hội nhỏ nhoi cho Fed giảm lạm phát mà không gây ra tình trạng suy thoái.
Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo GDP cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,6%/năm tính đến quý III/2022, cao hơn dự báo 2,3% được đưa ra trước đó. Đây là lần tăng trưởng đầu tiên trong năm nay - bất chấp những lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
GDP thực tế (Real Gross Domestic Product) của Hoa Kỳ qua các năm. (Ảnh: CNBC)
Quý III/2022, chi tiêu của người tiêu dùng (consumer spending), chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Mỹ, tăng 0,4%, giảm nhẹ so với mức tăng 0,5% hồi quý trước.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (the personal consumption expenditures price index), thước đo lạm phát chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tăng 4,2%, giảm mạnh so với mức 7,3% của quý trước.
Báo cáo GDP phản ánh sự chuyển dịch liên tục từ chi tiêu hàng hóa sang chi tiêu dịch vụ, với chi tiêu cho hàng hóa kéo dài đà giảm trong 3 quý liên tiếp, chi tiêu cho dịch vụ chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực.
Thất nghiệp thấp, lạm phát tăng
Hiện, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt 3,5%, gần mức thấp nhất trong lịch sử (2,5% vào tháng 5/1953). Thu nhập có xu hướng tăng nhưng lạm phát cao kỷ lục đã đốt sạch các khoản tiết kiệm của người dân Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 9 đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí giá thành các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm và khí đốt, còn tăng với tốc độ cao hơn.
Mặc dù người dân đang cắt giảm mua sắm một số mặt hàng như nhà cửa, ô tô và đồ gia dụng nhưng họ vẫn tiếp tục chi tiêu cho việc đi lại, ăn uống và chăm sóc sức khỏe, điều này hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế.
Sự gia tăng chi tiêu của chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương cũng đóng góp vào kết quả này.
Động lực tăng trưởng lớn nhất đến từ việc thu hẹp thâm hụt thương mại. Các nhà bán lẻ Mỹ nhập khẩu ít hơn và xuất khẩu nhiều hơn, đảo ngược đáng kể so với những gì diễn ra đầu năm nay.
Trong khi lạm phát cao đang là một vấn đề đau đầu của đảng Dân chủ, báo cáo mới nhất chỉ ra một bức tranh kinh tế tích cực hơn trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra ngày 8/11 tới.
Màn lội ngược dòng này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Đảng Dân chủ, những người đang chạy đua để xoa dịu lo ngại của cử tri về nền kinh tế. Lạm phát, đặc biệt là giá khí đốt, là một trong những thách thức lớn nhất đối với Nhà Trắng.
Ngày 27/10, Tổng thống Biden cho biết: “Nền kinh tế đã tạo ra 10 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm và ngành sản xuất của Mỹ đang bùng nổ… Giờ đây, chúng tôi cần có những bước tiến lớn hơn để vượt qua thách thức kinh tế hàng đầu: giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình Mỹ.”
Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế lạm phát leo thang. Kể từ tháng 3 năm nay, Fed đã nâng lãi suất 5 lần liên tiếp và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong phiên điều chỉnh vào tuần tới.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ. (Ảnh: The Washington Post)
Thị trường tài chính phản ứng trái ngược trước tin tức này, chỉ số Dow Jones tăng gần 400 điểm sau báo cáo GDP, nhưng chỉ số Nasdaq lại giảm.
Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP sẽ chậm lại trong thời gian tới, thậm chí có thể là một đợt suy giảm dài hơn vào năm sau, do lãi suất tăng cao và tâm lý lo ngại khiến người dân, doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi tiêu.
Sự tăng trưởng trở lại trong quý III cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái, vẫn còn cơ hội nhỏ nhoi để Fed giảm lạm phát mà không gây ra tình trạng suy thoái.