Trên đường trở về nhà, Anna Johnson (66 tuổi) ghé qua Phoenix để mua vài cái bánh ngọt. Như mọi ngày, bà sử dụng điện thoại để thanh toán. Tất cả đều diễn ra bình thường cho đến khi nhận được thông báo từ thu ngân rằng tiền boa là 35% trên tổng hóa đơn.
“Tôi sững lại vài giây vì yêu cầu của họ”, bà Johnson nói.
Sau đại dịch, nước Mỹ rơi vào lạm phát và nền kinh tế bất ổn, tình trạng đó đang dần bòn rút túi tiền của người tiêu dùng.
Không chỉ thế, những công việc lao động nặng nhọc và rủi ro về sức khỏe của nhân viên ngành kinh doanh thực phẩm - phục vụ, đầu bếp, thu ngân, nhân viên giao hàng - cũng đang tăng lên từng ngày.
Với nhiều khách hàng, thêm 15% cho một bữa ăn mang đi hoặc chuyến giao hàng là điều duy nhất họ có thể làm để giúp đỡ những người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng làm như vậy, theo New York Times.
Tiền boa tăng lên
Khi các hàng quán hoạt động trở lại, không ít chuyên gia và người tiêu dùng nói rằng những quyết định liên quan đến tip trở nên khó khăn hơn.
Nó ngày càng phức tạp bởi công nghệ đang dần tham gia quy trình vận hành của nhiều loại hình từ tiệm bánh, cửa hàng sữa chua đến xe bán đồ ăn, quán nước trái cây. Phần lớn những nơi này đều yêu cầu tiền boa từ khách hàng.
Trong một cuộc khảo sát, nhiều người, bao gồm nhóm đã từng làm việc trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho biết họ cảm thấy không thoải mái với các lời đề nghị tip và bị áp lực vì phải chi nhiều hơn.
Giá trên menu thay đổi do lạm phát đã khiến số tiền boa tăng thêm 15-20%. Trong một số trường hợp, các nhà hàng đã cộng dồn phí phục vụ và tip vào hóa đơn để khách hàng không nhận ra.
Cơ chế tip cũng đã thay đổi ở nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ hơn, nơi bình đựng tiền boa trên quầy đã được thay thế bằng màn hình cảm ứng. Điều này thậm chí còn trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch.
Để lại một số tiền không phù hợp với tỷ lệ phần trăm được đề xuất sẽ mất thêm thời gian và công sức. Vì khi trả tiền, phục vụ thường đứng kế bên và lặng lẽ quan sát.
Trên mạng xã hội, có nhiều lời phàn nàn rằng “văn hóa tiền boa đã vượt quá tầm kiểm soát” khi những nơi trước đây không đòi hỏi tip giờ lại làm như vậy.
Theo The Times, đây là “luật bất thành văn” và điều này đã khiến xứ cờ hoa đã trở thành “vùng đất của tiền tip”.
Nhiều nhân viên phục vụ coi tiền boa là một nguồn thu nhập quan trọng. Nhưng số khác e ngại rằng văn hóa này có thể bị các nhà quản lý lợi dụng để giảm tiền lương.
Brian Wacik (59 tuổi), một huấn luyện viên chó ở Tucson, Ariz, cho biết ông không bao giờ tip khi mua thức ăn mang đi.
“Tôi tự phục vụ và đã trả tiền cho đồ ăn. Bên cạnh đó, tôi cũng không boa cho việc lấy hàng”, anh nói.
Một số thực khách nghĩ rằng tiền boa cho phép các chủ doanh nghiệp giảm bớt trách nhiệm trả lương đủ sống cho nhân viên.
Gabriel Ramirez (24 tuổi), người làm việc trong một cửa hàng thuốc lá ở Los Angeles, cho hay anh muốn khoản tiền đó được thể hiện trong bảng giá hơn là để khách hàng phải trả thêm.
“Trách nhiệm của phục vụ là đảm bảo trải nghiệm của khách hàng. Các ông chủ không nên nhìn vào số tiền đó và nghĩ đây là cách kinh doanh”, Ramirez chai sẻ.
Sống bằng tiền boa
Đối với nhiều người lao động, đặc biệt là nhóm làm việc ở nơi có mức lương thấp, được "giữ lại tiền thừa" là một chiếc phao cứu sinh.
Trong đại dịch, tình trạng thiếu hụt nhân viên khiến thực khách tức giận, mất kiên nhẫn vì phải đợi lâu đã khiến công việc phục vụ đồ ăn càng trở nên khó khăn hơn.
Thông thường, một nhà hàng sẽ bao gồm "gợi ý tiền boa" trên hóa đơn với tỷ lệ 20%, 22% và 25%. Ở những nơi khác, con số này có thể bắt đầu ở mức 15%. Tại một số nhà hàng, khách sạn, hóa đơn có thể đi kèm với phí dịch vụ được kết hợp nhưng vẫn có thêm lựa chọn “tiền tip bổ sung” cho những người muốn trả thêm.
Vào tháng 4/2020, tiền boa trung bình tại một nơi bán thức ăn nhanh là 23,5%, tăng từ 19,6% của tháng trước. Con số cũng đã giảm dần xuống còn 19,8% chỉ 30 ngày sau đó.
Bryan Solar, người quản lý tại Square, một trong những hệ thống máy tính bảng hàng đầu trong ngành dịch vụ thực phẩm, cho hay nhìn chung, công nghệ cảm ứng mới đã khuyến khích việc chi tiền cho khoản tip.
Gần đây, ông đã giúp El Arroyo, một nhà hàng Tex-Mex có tuổi đời hàng chục năm ở Austin, Texas, mua lại hệ thống Square. Chủ nơi này báo cáo tiền boa đã tăng 50%.
Tính năng của những chiếc máy hiện đại cũng giúp loại bỏ lý do để không cho tiền boa là khách hàng không có tiền mặt.
Tuy nhiên, ông Solar nói thêm sự hào phóng của khách sẽ giảm xuống nếu doanh nghiệp quá đòi hỏi. Điều này có thể gây khó xử cho 2 bên.
“Nhiều người cảm thấy căng thẳng trước những tình huống này. Có thể văn hóa tip ở các quán cà phê và nhà hàng thức ăn nhanh sẽ trở nên phổ biến hơn ngay cả khi khách hàng không nhận được nhiều dịch vụ”, Andrew Moreo, giáo sư ngành quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học Quốc tế Florida, nhận định.
Một số nhà hàng đã cố gắng giải quyết tình trạng này bằng cách thêm tiền tip tự động vào mỗi hóa đơn.
Chẳng hạn, Danny Meyer, chủ nhà hàng ở New York, đã cố gắng thay thế việc tính tiền boa bằng cách tăng giá thực đơn và trả cho tất cả nhân viên một mức lương nhất quán theo giờ.