Dữ liệu về diễn biến giao dịch của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở cho thấy càng gần Tết Nguyên đán 2023, nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam càng có xu hướng bơm tiền ra để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại vào dịp cao điểm Tết.
Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết kéo dài (19/1), nhà điều hành đã thực hiện mua vào 11.364,45 tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá từ 5/5 thành viên tham gia đấu giá/trúng thầu, qua đó bơm ra lượng tiền Đồng tương ứng hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng.
Đáng chú ý, trong phiên này, NHNN không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu nào để hút tiền về, cho thấy quan điểm bơm tiền rõ ràng của nhà điều hành.
Thực tế, từ tháng 12/2022 đến nay, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn thường xuyên duy trì các giao dịch mua giấy tờ có giá kỳ hạn trên thị trường mở để bơm tiền hỗ trợ thanh khoản các đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, nhà điều hành cũng sử dụng công cụ bán tín phiếu để hút tiền về với giá trị hàng chục nghìn tỷ/phiên.
Tính từ đầu tháng 1, tổng giá trị giấy tờ có giá NHNN mua vào từ các thành viên thị trường đạt gần 130.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nhà điều hành cũng phát hành hơn 242.000 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về. Diễn biến này cho thấy NHNN vẫn đang duy trì xu hướng hút tiền đã kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay để duy trì mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng ở mức cao so với lãi suất USD.
Tuy nhiên, xu hướng này đã giảm nhiệt rõ rệt trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (tuần 16-19/1).
Cụ thể, trong hai tuần đầu năm, trong khi giá trị mua kỳ hạn của NHNN chỉ vào khoảng 5.000-7.000 tỷ/phiên thì giá trị bán kỳ hạn của nhà điều hành đều lên tới 15.000-25.000 tỷ đồng/phiên. Bình quân mỗi phiên NHNN đều hút về xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ phiên 16/1, nhà điều hành đã nâng mạnh giá trị mua kỳ hạn lên cao hơn giá trị bán. Tính trong tuần cuối cùng trước nghỉ Tết, NHNN đã thực hiện gần 67.700 tỷ đồng giao dịch mua kỳ hạn để bơm tiền và gần 55.000 tỷ đồng giá trị giao dịch bán để hút về lượng tiền tương ứng.
Như vậy, thông qua các giao dịch mua - bán tín phiếu trên thị trường mở, NHNN đã bơm ròng hơn 12.600 tỷ đồng ra thị trường trong tuần cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.
Ngoài lượng tiền Đồng được NHNN bơm ròng thông qua các giao dịch mua - bán tín phiếu kể trên, tuần này, thị trường cũng ghi nhận gần 24.200 tỷ đồng giao dịch mua và 89.500 tỷ đồng giao dịch bán tín phiếu trước đó của NHNN đáo hạn. Như vậy, các giao dịch đáo hạn này đã giúp hệ thống đón nhận thêm hơn 65.300 tỷ đồng trong tuần.
Tính tổng các giao dịch phát sinh mới và các giao dịch đáo hạn trên thị trường mở, đã có gần 78.000 tỷ đồng được NHNN bơm ròng ra thị trường trong tuần này để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn của các ngân hàng trong dịp Tết. Theo đó, khối lượng giấy tờ có giá NHNN đang nhận cầm cố hiện còn trên 104.000 tỷ đồng và số tín phiếu đã phát hành ở mức 75.500 tỷ đồng.
Trong bối cảnh NHNN đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở, mặt bằng lãi suất VNĐ trên kênh liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vẫn duy trì ở mức trên 6%/năm. Trong đó, chốt ngày 19/1, lãi suất VNĐ kỳ hạn qua qua đêm ghi nhận mức 6,32%/năm; kỳ hạn 1 tuần đạt 6,5%/năm và kỳ hạn 2 tuần ở mức 7,25%/năm.
Với mặt bằng này, lãi suất VNĐ qua đêm trên kênh liên ngân hàng vẫn cao hơn trên 2 điểm % so với lãi suất USD, hệ số an toàn để không gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, thanh khoản trên thị trường đã bớt dồi dào hơn trong những tuần trước Tết khi nhu cầu thanh toán tăng mạnh trước kỳ nghỉ kéo dài. Tuy nhiên, so với các giai đoạn trước Tết trong quá khứ, trạng thái thị trường vẫn khá ổn định khi NHNN liên tục phát hành tín phiếu nhằm trung hòa lượng tiền bơm vào hệ thống thông qua kênh mua ngoại tệ để duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý.