Theo trang tin Reuters, đây là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 115 năm của ngân hàng trung ương nước này, và nguyên nhân thua lỗ đến từ giá trị các khoản đầu tư của SNB đã sụt giảm mạnh trong tình hình thị trường trái phiếu và chứng khoán năm 2022 lao dốc.
Ngoài ra, việc đồng franc mạnh lên cũng có tác động tiêu cực đến lợi nhuận của SNB khi các khoản đầu tư nước ngoài bị giảm giá dẫn đến tỷ lệ nắm giữ vốn của cơ quan này cũng bị giảm theo. Trước đó, đồng tiền của Thụy Sĩ được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế châu Âu biến động mạnh.
Trong các khoản lỗ, ngân hàng này đã mất tới 131,5 tỷ franc (141,1 tỷ USD) đối với các vị thế ngoại tệ, cụ thể là 72 tỷ franc (77,3 tỷ USD) cho các khoản đầu tư trái phiếu và hơn 41 tỷ franc (44 tỷ USD) cho danh mục cổ phiếu nước ngoài.
Ngoài ra, vì khoản lỗ này đã vượt quá khoản lãi 26 tỷ franc (27,9 tỷ USD) vào năm 2021, SNB năm nay sẽ không thể thực hiện các khoản thanh toán thông thường cho chính phủ Thụy Sĩ và các thành viên chính phủ, đồng thời các khoản cổ tức của cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đây là lần thứ 2 điều này xảy ra kể từ khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ được thành lập vào năm 1907.
Bên cạnh đó, khoản lỗ này cũng đã xóa sạch lượng tiền dự trữ chưa phân phối 102,5 tỷ franc (110 tỷ USD) của SNB và khiến ngân hàng trung ương này lỗ lũy kế 39,5 tỷ franc (42,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Alessandro Bee của UBS, ngay cả khi vốn chủ sở hữu bị xóa sổ hoàn toàn thì điều này cũng không thay đổi chính sách tiền tệ của SNB trong ngắn hạn, vì cơ quan này có thể hoạt động mà không cần vốn chủ sở hữu.
"Chỉ khi vốn chủ sở hữu âm nặng trong một thời gian dài thì các ngân hàng trung ương mới phải thay đổi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, kịch bản này có lẽ không thể đạt được ngay cả khi kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn", ông Bee nói thêm.
Được biết, SNB sẽ công bố bản cập nhật cho chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 23/3.