Lợi nhuận tăng tích cực
Trong báo cáo cập nhật ngành dược mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, doanh thu dược phẩm tiếp tục tăng trưởng tích cực trong giai đoạn bùng phát Omicron, mặc dù nhu cầu thuốc trong bệnh viện phục hồi chậm. Trong quý I/2022, theo kết quả kinh doanh của các công ty dược niêm yết và kết quả đấu thầu bệnh viện của Cục Quản lý Dược Việt Nam (DAV), ước tính tổng doanh thu dược phẩm của cả nước tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ kênh nhà thuốc tăng 23% so với cùng kỳ và kênh bệnh viện giảm 5% so với cùng kỳ.
Dự báo, nhu cầu dược phẩm tiếp tục tăng đến cuối năm 2022 khi doanh thu ở kênh bệnh viện phục hồi mạnh, giúp tăng trưởng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước Covid-19.
Cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc cũng sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao trong vài năm tới. Ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất gồm Long Châu, An Khang, Pharmacity đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh thành cả nước.
Báo cáo của SSI cũng đánh giá, khi nền kinh tế đang tiến tới thời kỳ lạm phát cao, các nhà đầu tư có thể lo ngại về tác động của giá nguyên liệu đầu vào đến lợi nhuận của ngành dược. Tuy nhiên do cấu thành chi phí sản xuất thuốc viên cuối cùng sẽ rất phân mảnh và hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Cùng với đó, mở cửa các chuyến bay quốc tế giúp đẩy nhanh các thương vụ M&A và duy trì mức định giá ngành ổn định trong thời kỳ thị trường biến động xấu.
Trong dài hạn, Công ty cổ phần GMPC Việt Nam nêu nhận định, việc phát triển các bệnh viện tư nhân sẽ hỗ trợ ngành dược phẩm tăng trưởng. Cụ thể, chi tiêu cho y tế tư nhân được dự báo sẽ đạt 10,5 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ CAGR (2022 - 2025) là 4,82% nhờ một số yếu tố như: Quá tải ở các bệnh viện công, việc không đủ công suất giường bệnh dẫn đến phải chia giường, điều trị nội trú làm giảm chất lượng điều trị. Điều này tạo ra sự chuyển dịch đáng chú ý của bệnh nhân sang các bệnh viện tư nhân.
Ngoài ra, thu nhập hộ gia đình tăng liên tục sẽ khuyến khích gia tăng chi tiêu cho y tế tư nhân. Dự kiến, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ trở lại thông thường với mức tăng trưởng 5,7% lên 92,7 tỷ USD vào năm 2022.
Là một trong những quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng nhất, dẫn đến chi tiêu cao hơn cho các dịch vụ y tế tư nhân. Theo World Data Lab, 23,2 triệu người Việt Nam sẽ gia nhập vào tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Điều này đưa Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á về số lượng người gia nhập tầng lớp trung lưu. Triển vọng tốt của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tư nhân sẽ mang lại lợi thế cho các bệnh viện niêm yết, các công ty dược phẩm.
Tạo điều kiện thu hút đầu tư lĩnh vực y tế
Mặc dù là ngành có nhiều tiềm năng nhưng theo các chuyên gia, hiện môi trường pháp lý trong ngành y tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong 10 năm qua (2010 - 2020) khi Chính phủ thực hiện nhiều cải cách trong hệ thống y tế Việt Nam. Trong giai đoạn tới (2021-2031), sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa trong ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhiều chính sách mới có thể được áp dụng cho các bệnh viện tư nhân, vì khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế.
Mặc dù để nâng cao chất lượng trong lĩnh vực y tế, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu về y tế của người dân. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực thi hành hơn 1 năm qua đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các dự án PPP. Tuy nhiên, công tác triển khai Luật này trong lĩnh vực y tế còn nhiều hạn chế.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019, Việt Nam có 63 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất. Trong đó, 18 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 10 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 8 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, chỉ có 3 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng và 2 dự án hoàn thành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đó là những con số rất khiêm tốn so với một lĩnh vực tiềm năng như y tế mà nguyên nhân một phần cũng bởi chậm ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn việc đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực này.
Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc đầu tư theo phương thức PPP có thuận lợi hơn về mặt pháp lý do đã có Luật PPP. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn phụ thuộc vào quy định chuyên ngành cụ thể. Hiện một số ngành đã triển khai rất tích cực như giao thông vận tải, xây dựng… nhưng một số ngành còn chậm trễ như y tế, giáo dục...
Bởi vậy để thúc đẩy hợp tác phát triển phương thức đầu tư PPP, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần sớm hoàn thiện khung khổ chính sách về đầu tư PPP, song song với việc tháo gỡ những nút thắt khác trong việc đầu tư lĩnh vực y tế thông qua hình thức PPP, từ đó sẽ có tác động tích cực đến ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng.