Các hãng hàng không châu Á dự kiến có doanh thu không mấy khả quan so với kế hoạch trước đó trong quý IV, nguyên nhân là các hãng hàng không Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn dưới các hạn chế về đại dịch của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích của QUICK-FactSet đã hạ dự báo thu nhập trước lãi vay và thuế trong quý này của 15/35 hãng hàng không trên toàn thế giới. Trong số 15 hãng hàng không bị hạ dự phóng, có 7 hãng thuộc khu vực châu Á. Ngược lại, các hãng hàng không phương Tây chiếm 12/20 hãng có triển vọng tăng trưởng so với các đánh giá hồi tháng 9.
Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là ANA Holdings và Japan Airlines nằm trong nhóm những cái tên tiềm năng. Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch vào tháng 10 và chính phủ nước này đã triển khai trợ cấp du lịch cho người dân.
Kết quả kinh doanh quý III cũng cho thấy những khó khăn các hãng hàng không châu Á gặp phải khi cạnh tranh nhau. Cụ thể, doanh thu 10 hãng đã suy giảm trong thời gian này có một nửa đến từ châu Á. Tương tự, 8 hãng hàng không đã ghi nhận thua lỗ trong quý này.
Các hãng báo lỗ bao gồm ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc là China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Air China. China Airlines của Đài Loan, hãng hàng không giá rẻ IndiGo của Ấn Độ và Jeju Air của Hàn Quốc cũng chìm trong thua lỗ.
Theo ước tính, khoản lỗ trong quý IV của China Southern vào khoảng 7,1 tỷ nhân dân tệ (1,01 tỷ USD), tương đương mức giảm khoảng 1,8 tỷ nhân dân tệ.
Kelvin Lau của đơn vị phân tích Daiwa Capital Markets Hong Kong cho biết nhu cầu đi lại của hành khách phục hồi chậm hơn so với dự kiến, ảnh hưởng tới đà phục hồi của ngành hàng không. Vị này dự báo China Southern sẽ có lợi nhuận vào năm 2024.
Đối với các hãng hàng không Đài Loan, các nhà phân tích đã điều chỉnh giảm triển vọng cho cả China Airlines và EVA Airways. Dù Đài Loan đã nới lỏng các hạn chế về cảng nhập cảnh cùng thời điểm với Nhật Bản nhưng hai hãng hàng không tại đây lại phụ thuộc nhiều vào các chuyến bay quốc tế, dẫn tới doanh thu phục hồi chậm.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhu cầu hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 10 thấp hơn 53% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức thấp nhất trong tất cả khu vực trên thế giới.
Ngược lại, nhu cầu toàn cầu giảm 26% trong cùng kỳ và chỉ giảm lần lượt 4% và 7% đối với khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.
Ở châu Âu và châu Mỹ, nhu cầu du lịch và kinh doanh đã tăng mạnh trở lại. Các hãng hàng không nhờ vậy có thể tăng giá vé để bù đắp chi phí nhiên liệu cao hơn. Các hãng hàng không được giới phân tích nâng triển vọng tăng trưởng bao gồm United Airlines và American Airlines ở Mỹ, Lufthansa của Đức và hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland.
Hoàn cảnh trái ngược giữa các hãng hàng không châu Á và phương Tây cũng được phản ánh trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của hãng United và Lufthansa đã tăng khoảng 30-40% kể từ cuối tháng 9 đến nay. Trong khi đó, cổ phiếu của China Southern chỉ tăng khoảng 10%, trong khi EVA Airways đi ngang.
Theo IATA, lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu sẽ trở lại mức trước Covid-19 vào năm tới. Tuy vậy, những lo ngại về tài chính vẫn hiện diện do sự không chắc chắn về các chính sách Covid-19 ở Trung Quốc, giá nhiên liệu cao hơn và tình trạng thiếu công nhân.