Thị trường chứng khoán Mỹ được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng hai bên đã nhiều lần nghịch chiều kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ hôm 22/12 (giờ Mỹ) là một minh chứng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 348,99 điểm, tương đương 1,05%, xuống 33.027 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 1,45% và 2,18%.
Tin vui của kinh tế Mỹ
Thị trường chứng khoán không chỉ không tăng theo, mà còn biến động ngược chiều với những thông tin tích cực của nền kinh tế. Bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm để hạ nhiệt lạm phát. Điều này đồng nghĩa với việc một khi kinh tế vẫn mạnh mẽ, Fed sẽ còn tiếp tục hành động.
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 22/12, GDP của Mỹ trong quý III (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều mức 2,9% theo ước tính trước đó.
GDP của Mỹ trong quý III đã tăng trưởng mạnh một cách đáng ngạc nhiên. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân và chỉ số giá cũng đi lên
Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ
Tiêu dùng cá nhân tăng 2,3%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với ước tính trước đó, nhờ chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ mạnh mẽ.
Các dữ liệu cho thấy dù lãi suất và lạm phát tăng nhanh, nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn vững chắc. Thị trường lao động mạnh mẽ và tăng trưởng tiền lương giúp thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa thích - tăng 4,7% trong quý III so với một năm trước đó.
"GDP của Mỹ trong quý III đã tăng trưởng mạnh một cách đáng ngạc nhiên. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân và chỉ số giá cũng đi lên", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích với Zing.
"Thị trường đang được định giá theo kịch bản một đợt tăng lãi suất nữa vào cuộc họp chính sách của Fed trong tháng 2. Nhưng nếu các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, Phố Wall sẽ buộc phải nghĩ lại", ông Moya nhận xét.
Ông cho rằng các nhà đầu tư có thể đặt cược vào kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3. "Một đợt nâng lãi suất điều hành nữa vào tháng 3 sẽ được định giá", vị chuyên gia cảnh báo.
Tin xấu với Phố Wall
Vào cuộc họp chính sách tháng 12, Fed quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Nhưng trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, chủ tịch Fed nhấn mạnh "vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
"Có thể cần duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian để bình ổn giá cả. Lịch sử đã cho những bài học lớn về việc nới lỏng chính sách quá sớm", ông khẳng định.
Đà tăng trưởng phi mã trong thời kỳ đại dịch của thị trường chứng khoán chuyển thành cú rơi sau khi Fed khóa van. Thị trường chứng khoán trồi sụt theo từng động thái, thậm chí là những dự báo về các bước đi tiếp theo của Fed.
Giá kim loại quý cũng rớt mạnh sau báo cáo GDP quý III của Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12 trên sàn New York, giá vàng giao ngay giảm 22,4 USD/ounce về 1.792 USD/ounce.
Mới đây, nhà đầu tư nổi tiếng Bill Gross cảnh báo rằng nếu lãi suất vẫn đi lên, các thị trường tài chính sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn.
"Nền kinh tế đã được bơm hàng nghìn tỷ USD, nhưng cuối cùng, số tiền đó bị rút đi hết. Tôi tin rằng chúng ta sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ", ông bình luận. "Nhưng nếu lãi suất vẫn đi lên, kịch bản còn tồi tệ hơn nữa", vị chuyên gia nói thêm.