Các thành viên nghiệp đoàn và những người đình công hôm 13/4 đã xông vào trụ sở của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH ở Paris, trong đợt biểu tình mới nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Guardian đưa tin.
“Muốn tìm kiếm nguồn tiền để tài trợ cho hệ thống hưu trí? Hãy lấy nó từ túi của các tỷ phú”, Fabien Villedieu, thành viên công đoàn Sud Rail, nói khi trụ sở LVMH ngập trong khói đỏ từ pháo sáng.
Tập đoàn xa xỉ, có các thương hiệu bao gồm Louis Vuitton và Christian Dior, thuộc sở hữu của tỷ phú Bernard Arnault, người giàu nhất thế giới với tài sản hơn 200 tỷ USD.
Theo tờ Telegraph, khi người biểu tình tràn vào tòa nhà, ông Bernard Arnault đang ở trong văn phòng làm việc của mình.
Tràn vào trụ sở LVMH
Một đoạn video ghi lại cảnh đám đông vẫy pháo sáng và biểu ngữ khi họ tràn qua lối vào trụ sở chính của LVMH trên Đại lộ Montaigne sang trọng ở trung tâm thủ đô Paris, Wall Street Journal đưa tin.
Trong video khác, đám đông đã di chuyển lên khu vực thang cuốn dẫn lên các tầng cao hơn - nơi đặt văn phòng của ông Arnault cùng với những giám đốc điều hành hàng đầu khác.
Một chiếc xe Mercedes và thùng rác cũng bị đốt cháy ở thành phố Rennes phía tây, trong khi những người biểu tình và cảnh sát đụng độ ở Nantes - điểm nóng căng thẳng trong tuần gần đây.
Hơi cay đã được bắn vào con phố rue de Rivoli ở trung tâm Paris sau các cuộc đụng độ gần một cửa hàng bách hóa.
Tổng thống Macron đang chịu áp lực phải tìm kiếm cách xoa dịu dư luận nếu những thay đổi về hệ thống hưu trí được Hội đồng Hiến pháp thông qua vào hôm 14/4.
Sau khi có yêu cầu của thủ tướng Élisabeth Borne, Hội đồng Hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết về việc liệu luật này có phù hợp với hiến pháp Pháp hay không. Các chính trị gia cánh tả cũng yêu cầu hội đồng đưa ra phán quyết xem xét liệu có thể tổ chức hình thức trưng cầu dân ý về cải cách hưu trí.
Dù vậy, các bộ trưởng Pháp tin rằng hội đồng sẽ thông qua cải cách, sau khi chính phủ dùng quyền hiến định để thúc đẩy thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.
Nếu đúng như vậy, ông Macron có thể sẽ ký thành luật các quy định hưu trí mới ngay lập tức để chúng có thể có hiệu lực trước cuối năm 2023.
Chính phủ hy vọng điều này sẽ chấm dứt gần 3 tháng biểu tình, mà đôi khi lên đến đỉnh điểm trở thành bạo lực và đụng độ với cảnh sát.
Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho biết sự tức giận vẫn còn và các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục nếu dự luật được thông qua.
Những người biểu tình hôm 13/4 đã chặn con đường dẫn đến tòa nhà hội đồng trong một thời gian ngắn bằng thùng rác. Giao thông và trường học bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công.
Một số người thu gom rác cũng tiếp tục đình công tại thủ đô. Trước đó, các công nhân vệ sinh ở Paris đã quay lại làm việc vào hôm 29/3 sau khi 10.000 tấn rác chất đống dọc theo các con phố của thủ đô nước Pháp.
Theo AP, con số này tương đương trọng lượng của tháp Eiffel - là biểu tượng nổi bật, về cả thị giác lẫn khứu giác, phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Thách thức lớn
Mặc dù số lượng người tuần hành đã giảm trong những tuần gần đây, nhưng vấn đề chính đối với ông Macron là dư luận.
2/3 người dân Pháp vẫn phản đối đề xuất tăng tuổi được hưởng lương hưu của ông và 52% muốn các cuộc biểu tình tiếp tục ngay cả khi Hội đồng Hiến pháp thông qua luật hưu trí, theo cuộc thăm dò của Ifop cho Le Journal du Dimanche.
Hình ảnh của Tổng thống Macron đã bị lung lay bởi cuộc biểu tình. Một lần nữa, ông bị cho là bị tách biệt, đứng ngoài những mối quan tâm hàng ngày của người dân.
Frédéric Dabi, từ công ty thăm dò ý kiến Ifop, nói rằng chỉ 18% người Pháp tin rằng ông Macron để tâm đến mối bận tâm của họ, trong khi 58% người dân nghiêng về nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen.
Dabi nói thêm có sự khác biệt lớn giữa hai chính trị gia tới mức "chóng mặt".
Sau nhiều lần từ chối đàm phán với các nhà lãnh đạo công đoàn trong những tuần gần đây, tổng thống Pháp cho biết ông sẽ mời đại diện của người lao động tới thảo luận khi quyết định của tòa án được công bố.
Ông Macron nói rằng ông biết "dấu vết của những bất đồng hiện tại sẽ vẫn còn" nhưng ông muốn "nhìn về tương lai".
Sophie Binet, lãnh đạo liên đoàn công đoàn CGT cho biết bà chỉ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nếu nó nhằm loại bỏ cải cách hưu trí.
“Nói về bất kỳ chủ đề nào khác ngoài cải cách này là điều không thể”, bà cho hay.
Ông Macron đã liên kết cải cách hưu trí với nhu cầu kiểm soát chi tiêu công của Pháp, cùng chương trình nghị sự về mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa các thành viên EU.
“Tôi tự hào về mô hình xã hội của Pháp và tôi bảo vệ nó, nhưng nếu chúng ta muốn làm cho nó bền vững, chúng ta phải sản xuất nhiều hơn”, ông nói.
“Chúng ta phải tái công nghiệp hóa đất nước. Chúng ta phải giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng số lượng công việc được giao trong nước. Cải cách hưu trí là một phần trong đó”, ông cho hay.
Các nhà phân tích cho biết mức độ phản đối cải cách hưu trí có thể gây ra hậu quả lâu dài, khi mà cảm giác “vỡ mộng” lan rộng đối với chính trị có thể thúc đẩy cực hữu.
Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, chia sẻ với BFMTV rằng nếu dự luật hưu trí được thông qua thành luật, “chúng tôi sẽ nói với người Pháp rằng: Hãy bỏ phiếu cho Mặt trận Quốc gia”.