Để có được nhân sự phù hợp, các doanh nghiệp sử dụng nhiều kênh tìm kiếm, thậm chí đến tận các phiên giao dịch việc làm, song có những phiên chỉ tuyển được vài lao động, thậm chí không tìm được ai.
KHÓ TRÁNH KHỎI XU THẾ BIẾN ĐỘNG NHÂN SỰ
“Để tuyển dụng được một người giỏi không khó, nhưng khó nhất là tuyển được nhân sự phù hợp với văn hóa của công ty”, ông Trịnh Ngọc Thọ, Phó giám đốc kinh doanh, Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội, thuộc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel, nói điều này khi đến tuyển lao động cho công ty tại một phiên giao dịch việc làm hồi giữa tháng 6 tại Hà Nội.
Xuất phát từ thực tế đặc thù của doanh nghiệp, ông Thọ cho biết việc tuyển dụng khó khăn ngoài yếu tố chất lượng nhân sự, còn là câu chuyện văn hóa của công ty khác biệt với kỳ vọng của người lao động.
“Lao động trẻ hiện nay có xu hướng mong muốn làm việc trong môi trường được thể hiện cá tính, yêu thích sự thoải mái, sáng tạo…Nếu cảm thấy chưa phù hợp với yếu tố này, các bạn sẵn sàng nhảy việc ngay”, ông Thọ nói và cho hay đây là một trong những lí do gây biến động nhân sự.
Bên cạnh đó, khó khăn tiếp theo là khi tuyển dụng lao động mới vào, doanh nghiệp cũng thường xuyên phải đào tạo lại rất nhiều. Trong khi môi trường công ty có tính chất áp lực cao, cần những người làm được việc ngay. Vì thế, nhiều lao động trong thời gian ngắn không thích nghi kịp cũng sẽ tự đào thải.
Người lao động đăng ký thông tin tìm kiếm việc làm. Ảnh: Thanh Hải.
Biến động nhân sự là xu hướng không thể tránh khỏi của mỗi doanh nghiệp, cũng là nhận xét của ông Phạm Văn Tình, Trưởng phòng kinh doanh của Ford Mỹ Đình (Hà Nội). Theo ông Tình, bất cứ môi trường làm việc nào cũng có sự đào thải.
Đơn cử ở đơn vị này, trong một đợt tuyển dụng, nếu có 10 ứng viên, thì sau 1 năm chỉ còn một nửa gắn bó, số còn lại thông thường trong thời gian từ 3 - 6 tháng, nếu họ không đạt yêu cầu sẽ bị thanh lọc.
Ngoài yếu tố này, bản thân người lao động cảm thấy không đáp ứng được kỳ vọng về mức thu nhập, môi trường làm việc, cũng sẽ tự động “nhảy việc”. Vì thế, doanh nghiệp cũng phải liên tục tuyển dụng để có nguồn bổ sung.
Tuy nhiên, ông Tình cho rằng đây là xu thế tất yếu trên thị trường lao động. Theo quan sát, ngoài lương, thu nhập thì hiện văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ là yếu tố quan trọng để giữ chân nhân sự ở lại. “Thu nhập và môi trường văn hóa công ty có thực sự tạo ra sân chơi, để người lao động thoải mái phát triển được năng lực, gắn bó lâu dài”, ông Tình nói.
Ngoài ra, để chủ động trong nguồn cung lao động, ông Tình cho hay ngoài xây dựng cơ chế thu nhập tốt, xứng đáng với công sức người lao động bỏ ra, hiện đơn vị đa dạng các kênh tuyển dụng, như qua mạng xã hội, trang tin, hay kết nối với các cơ sở đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt vào các mùa sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp.
THAY ĐỔI XU HƯỚNG TUYỂN DỤNG
Từ góc độ người đi tìm việc, Quang, sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin của một cơ sở đào tạo tại Hà Nội, cho biết em đang mong muốn tìm công việc với chuyên ngành đang theo học.
Tuy nhiên, theo Quang điều này không hề đơn giản, bởi qua tìm hiểu một số doanh nghiệp, số lượng việc làm tuyển thì có, nhưng yêu cầu trình độ chuyên môn khá cao. “Rất khó để lao động trẻ có chưa có trình độ và kinh nghiệm được lựa chọn”, Quang bộc bạch.
Thường xuyên kết nối, tương tác với các doanh nghiệp trong hoạt động tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng nhận thấy rõ luôn có những sự “lệch pha” trên thị trường lao động. Nghĩa là, người đi tìm việc vẫn rất nhiều, còn doanh nghiệp đang cần tuyển dụng nhưng không tìm được nhân sự.
“Sự tiệm cận giữa cung và cầu trong bất kể thời điểm nào đều có khoảng cách. Thực tế, trên thị trường lao động, ở mỗi giai đoạn đều có những phân khúc, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng khác nhau. Trong khi đó, bản thân người lao động cũng có nhiều sự lựa chọn để tìm kiếm vị trí việc làm, mà họ cảm thấy phù hợp và đem lại mức thu nhập tương xứng”, ông Thành nói.
Đại diện đơn vị này cho hay đây là một trong những lí do, có những doanh nghiệp đến các phiên giao dịch việc làm tuyển được nhiều lao động, nhưng cũng có những công ty chỉ tìm được một vài người, thậm chí không tìm được ai.
Đông đảo lao động tìm việc tại phiên giao dịch một quận ven Hà Nội cuối tuần trước. Ảnh: Thanh Hải.
Để kéo gần khoảng cách này, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết trong quá trình trao đổi với các doanh nghiệp, đơn vị luôn cố gắng tư vấn cụ thể, chi tiết nhất để công ty có thể đưa ra các chế độ, quyền lợi, yêu cầu phù hợp đối với người lao động. Từ đó, đảm bảo sự hài hòa giữa các bên, đặc biệt giữ chân được người lao động gắn bó.
Bên cạnh đó, về phía người lao động, ông Thành cũng cho rằng họ cần đánh giá, tìm hiểu cụ thể về các vị trí việc làm, phân khúc của thị trường lao động. “Tâm lý của người làm công ăn lương chắc chắn đều mong muốn có thu nhập tốt để đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn cần đánh giá kỹ khả năng với vị trí công việc để có lựa chọn công việc phù hợp nhất”, ông Thành lưu ý.
Ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội, nói thêm việc doanh nghiệp khó tuyển được lao động phù hợp còn do chính doanh nghiệp đang thay đổi xu hướng tuyển dụng, cần nhiều hơn lao động có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi đó, thực tế hiện lao động phổ thông vẫn chiếm một tỷ lệ tương đối cao.
“Các doanh nghiệp hiện nay có xu hướng ứng dụng công nghệ, thay vì sử dụng nhiều lao động thì họ cần những người có khả năng vận hành được hệ thống hiện đại của nhà máy. Đây là lí do chỗ thì thừa lao động, trong khi chỗ vẫn thiếu”, ông Nam nêu thực tế.
Tháo gỡ việc thiếu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết một mặt Sở sẽ đa dạng hóa các hình thức giải quyết việc làm, mặt khác sẽ tập trung vào tổ chức các sàn giao dịch việc làm, bao gồm cả sàn vệ tinh, và phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã.
Tới đây, có thể tổ chức thêm các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho các nhóm phân khúc lao động khác nhau. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.