Hai ngân hàng trên đều khuyến khích nhân viên ở mọi cấp mua cổ phiếu công ty. Nhân sự cấp cao thường được ngân hàng trả một phần lương trực tiếp bằng cổ phiếu.
Cả SVB lẫn First Republic đặt trọng tâm phục vụ là các công ty công nghệ, vốn cũng có văn hóa để nhân viên trở thành cổ đông trực tiếp, theo Wall Street Journal.
Giá trị thị trường của hai cổ phiếu từng đạt hàng trăm USD nhưng giờ đây chỉ còn đáng giá vài cent. Do đó, nhân viên của các công ty - bao gồm cả những người đã bị sa thải - đánh mất số tiền mà họ đã lên kế hoạch để dành cho lúc nghỉ hưu, cho con học đại học hay phục vụ các khoản chi tốn kém khác.
Nỗi buồn kép
Ông Tony Woodall, chuyên gia quan hệ cộng đồng thuộc phòng marketing của First Republic, đã mua khoảng 7.500 USD cổ phiếu ngân hàng từ năm ngoái. Trong đó, một phần ba được mua ngay sau khi SVB sụp đổ. Ông cho biết bản thân cảm thấy giá cổ phiếu khi đó tương đối rẻ.
Giờ đây, ông Woodall, người đã bị sa thải sau khi First Republic sụp đổ, không tin rằng mình sẽ lấy lại được số tiền này. “Đón nhận mất mát là điều khó khăn”, ông chia sẻ.
Các nhân viên khác của First Republic cho biết họ cũng đổ thêm tiền vào cổ phiếu ngân hàng - hoặc không bán cổ phiếu đã mua - sau khi lãnh đạo ngân hàng đưa ra các tuyên bố tương đối khả quan, cả công khai lẫn nội bộ. Một số thậm chí dùng tiền thưởng để mua cổ phiếu.
Sau khủng hoảng tài chính 2008, các ngân hàng đã phát triển nhanh chóng, đẩy giá trị cổ phiếu lên cao. Cổ phiếu của SVB đã tăng 14 lần trong thập niên trước. Cổ phiếu của First Republic cũng tăng mạnh hơn mức bình quân thị trường.
Tại SVB, nhân viên ở mọi cấp có thể mua cổ phiếu với giá giảm 15%. Cổ phiếu SVB cũng chiếm 18% tài sản phục vụ kế hoạch nghỉ hưu, con số tương đối cao với một công ty đại chúng.
“Gần như chúng tôi đều là cổ đông và chúng tôi tự hào về điều này”, ông Rob McMilan, nhân sự cấp cao trong bộ phận làm ăn với các công ty rượu vang của SVB, cho biết.
Ông McMilan cảm thấy may mắn vì hầu hết khoản tiền dành dụm để nghỉ hưu của ông được đầu tư ở nơi khác. “Tôi mất lớp kem nhưng vẫn giữ được chiếc bánh”, ông nói.
Khoản đầu tư sai lầm
Tại First Republic, nhân viên cũng có thể mua tới 22.000 USD cổ phiếu mỗi năm với mức giảm giá 15%. Gần hai phần ba nhân viên công ty tham gia chương trình này.
Bất chấp giá trị cổ phiếu giảm 41% trong năm 2022, nhân viên First Republic vẫn có xu hướng tăng mua cổ phiếu. 260.000 cổ phiếu được bán ra cho nhân viên trong năm 2022, tăng 44% so với số liệu năm 2021.
Vào ngày SVB sụp đổ, bà Mollie Richardson, người đứng đầu bộ phận nhân sự của First Republic, tuyên bố đó là thời điểm tốt để mua cổ phiếu công ty qua chương trình dành cho nhân viên.
“Nguồn vốn và thanh khoản của First Republic rất tốt”, Giám đốc điều hành Mike Roffler và Chủ tịch Jim Herbert tuyên bố hai ngày sau đó khi Signature Bank sụp đổ.
Giá cổ phiếu của First Republic lao dốc trong tháng 3, từ hơn 120 USD xuống chỉ còn 14 USD vào cuối tháng. Dù vậy, First Republic vẫn thông báo nhu cầu cổ phiếu của nhân viên vượt quá lượng cung, khiến nhân viên không thể mua toàn bộ lượng cổ phiếu mong muốn.
Tới cuối tháng 4, First Republic thông báo đã bị rút khoảng 100 tỷ USD tiền gửi. Ngày 1/5, ngân hàng bị giới chức Mỹ nắm quyền kiểm soát. Hầu hết ngân hàng sau đó bị bán cho JPMorgan Chase.
Hàng loạt nhân viên và cựu nhân viên của ngân hàng tỏ ra lo buồn. “Thực đơn của tôi thay đổi từ thịt bò và trứng cá muối xuống mỳ ăn liền”, một người viết. Một khảo sát được thực hiện trên 41 nhân viên của First Republic cho thấy 18 người mất từ 50.000 USD trở lên.
Một số nhân viên của First Republic cũng tham gia chương trình phúc lợi trả sau. Giờ đây, họ không rõ liệu bản thân có thể nhận lại số tiền này hay không. Quỹ phúc lợi trả sau của First Republic trị giá lên tới 142 triệu USD, tính đến cuối năm 2022.
Về phần mình, ông Woodall cho biết First Republic vẫn là công ty tốt nhất mà ông từng làm việc - dù ông đã mất việc sau khi ngân hàng này sụp đổ. Tuy nhiên, ông vẫn tiếc số tiền đổ vào cổ phiếu.
“Tôi đáng ra đã có thể dùng chúng ngay bây giờ”, ông phàn nàn.