Nhật Bản bắt đầu thắt chặt các quy định về công tác tuyển du học sinh tại các cơ sở giáo dục sau khi một trường đại học ở Tokyo bị phát hiện mất liên lạc với hơn 1.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2019, Kyodo News đưa tin.
Theo đó, các trường đại học và trường dạy nghề không còn được tiếp nhận sinh viên nước ngoài nếu công tác tuyển sinh không phù hợp với luật sửa đổi.
Luật sửa đổi này do Cơ quan Dịch vụ Nhập cư sửa trên sắc lệnh của Bộ Tư pháp. Mục đích của việc sửa đổi là tăng cường các biện pháp để phòng chống và giảm tình trạng trường học tuyển du học sinh nhưng du học sinh lại bỏ trốn để làm việc bất hợp pháp.
Trong luật sửa đổi này, các trường đại học sẽ phải ngừng tiếp nhận sinh viên nước ngoài nếu công tác quản lý du học sinh không đảm bảo đúng quy định.
Khi đến Nhật Bản du học tại các trường nghề (ví dụ điều dưỡng), các du học sinh sẽ phải học tại trường dạy tiếng Nhật trong thời gian bắt buộc là một năm, thay vì 6 tháng như trước đây.
Ngoài ra, những sinh viên nghiên cứu đang học tiếng Nhật với mục đích đăng ký vào các trường đại học cũng sẽ không được cấp tư cách sinh viên lưu trú.
Năm 2019, Đại học Phúc lợi Xã hội Tokyo bị phát hiện mất liên lạc với 1.610 sinh viên nước ngoài trong 3 năm, kể từ năm 2016. Nhiều sinh viên mất tích ở trường này được gọi là "sinh viên nghiên cứu", đang theo học tại các lớp dự bị để chuẩn bị vào khóa học chính quy.
Việc cả nghìn sinh viên nước ngoài biết mất chính là lý do khiến Nhật Bản quyết định không cấp visa du học cho những người nước ngoài đang học tiếng Nhật với tư cách sinh viên nghiên cứu.