Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã sửa đổi đáng kể các biện pháp trong tài khóa 2023 để hỗ trợ các công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận cải tạo nhà ở quy mô lớn, theo Nikkei Asia.
Trợ cấp một phần ba chi phí được áp dụng nếu các ngôi nhà được tái sử dụng thay vì tháo dỡ. Việc phá dỡ nhà bỏ hoang sẽ được trợ cấp 40% chi phí.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ chi trả tới 50% chi phí nghiên cứu cho chính quyền địa phương và chủ sở hữu bất động sản đang tìm cách sử dụng những ngôi nhà trống.
Vấn đề nhà bỏ hoang của Nhật Bản đang trở nên cấp bách hơn khi tỷ lệ sinh giảm, dẫn đến tình trạng già hóa và thu hẹp dân số.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết toàn đất nước có 8,49 triệu ngôi nhà bị bỏ trống, trong đó 3,49 triệu ngôi nhà được coi là bỏ hoang. Nếu không được quản lý hiệu quả, số lượng nhà bỏ hoang tại Nhật Bản dự kiến tăng khoảng 30% lên 4,7 triệu vào năm 2030.
Những ngôi nhà hoang có tác động tiêu cực đến vấn đề vệ sinh, an ninh và cảnh quan xung quanh.
Ngày 7/6, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua các biện pháp sửa đổi nhằm giải quyết vấn đề nhà ở. Chủ sở hữu những ngôi nhà bỏ trống có cửa sổ hoặc tường bị hư hỏng sẽ không nhận được ưu đãi thuế.
Nhật Bản đã cải cách thuế từ năm tài khóa 2023 với việc gia hạn thời gian giảm thuế đặc biệt nhằm ngăn chặn những ngôi nhà bị bỏ trống sau khi chủ sở hữu qua đời. Theo hệ thống này, mỗi người thừa kế nhà từ cha mẹ qua đời có thể được khấu trừ 30 triệu yen (khoảng 214.000 USD) tiền thuế. Ban đầu biện pháp này được áp dụng đến cuối năm nay, nhưng sau đó được gia hạn thêm 4 năm nữa.
Năm 2018, 13,6% tổng số nhà ở Nhật Bản bị bỏ trống. Tỷ lệ này được cho là cao hơn so với Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia khác, nơi những có xu hướng được tân trang và bán lại bất động sản để hạn chế sự gia tăng nhà trống.