Theo CNN, Ana Duran đã làm tư vấn viên du lịch suốt 17 năm đến khi mất việc vào cuối năm ngoái. Trước tình trạng lạm phát tồi tệ nhất 4 thập kỷ tại Mỹ, Duran đang phải mua trứng với giá 7,99 USD/tá, bơ 2,99 USD/quả hay 94 USD /bình xăng, gần gấp đôi năm ngoái.
Cô hiện nhận trợ cấp thất nghiệp và làm nhân viên chăm sóc bán thời gian tại một viện dưỡng lão. Để trang trải cuộc sống, Duran phải bán đồ trang sức cũng như tranh thủ nghiền vỏ lon tái chế nhằm kiếm thêm chút tiền.
Sức nóng của lạm phát
Duran là một ví dụ điển hình về những gì người Mỹ sinh sống ở Inland Empire, Riverside, California trải qua. Đây là một trong những khu vực chịu lạm phát nặng nề nhất nước Mỹ với CPI hàng năm tăng vọt 9,4% vào tháng 5, cao hơn nhiều con số 8,6% bình quân cả nước.
Tình trạng gia tăng dân số là yếu tố chính khiến lạm phát ở Inland Empire thêm trầm trọng. Người dân có xu hướng dịch chuyển từ các thành phố lớn sang quận lân cận, ví dụ như Riverside hay San Bernadino, để tiếp cận chi phí hợp lý hơn. Điều này thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tại khu vực vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn cung.
Hiện California đang là bang có giá xăng trung bình cao nhất nước Mỹ. Do đó, giá thực phẩm và nhiên liệu có sự chênh lệch lớn với những khu vực khác.
Dù giá xăng đã giảm nhẹ vào tháng trước, giá xăng tại Riverside vào cuối tháng 7 vẫn ở mức 5,6 USD/gallon. Duran dần từ bỏ thói quen lái xe hay đến trung tâm mua sắm, thay vào đó, cô cố gắng thực hiện công việc qua điện thoại.
Duran cũng thu thập đồ tái chế để kiếm thêm tiền. Với mỗi pound (0,45 kg) đồ tái chế, đặc biệt là nhôm, cô nhận được 1,37 USD.
“Tôi không mua gà hay thịt đỏ nữa, tôi chỉ ăn cá ngừ”, Duran chia sẻ.
Trong khi đó, Lily Yu - cư dân Riverside - không ngại lái xe hybrid đi hơn 100 km để tìm kiếm các cửa hàng tạp hóa giảm giá ở Palmdale, California.
Yu đang là đại sứ thương hiệu của Flashfood, một ứng dụng liệt kê các mặt hàng tạp hóa gần hết hạn sử dụng với chiết khấu lớn. Ứng dụng này đã hợp tác với một số siêu thị, cửa hàng tạp hóa ở Canada và Mỹ.
Thông qua Flashfood, Yu có thể mua thịt gà, bánh mỳ và một số mặt hàng khác với giá chỉ bằng một nửa bình thường.
Theo Josh Domingues, CEO Flashfood, một số người dùng đã tiết kiệm được 5.000- 10.000 USD hóa đơn mua hàng hàng năm. "Có người thậm chí chi tiền mua tủ đông đặt dưới tầng hầm để tích trữ thịt", ông nói.
Sống dựa thực phẩm quyên góp
Mỗi sáng thứ Tư, Duran đến một cơ sở tôn giáo ở Riverside để chọn tạp hóa do tổ chức Feeding America Riverside San Bernardino quyên góp.
“Tại đây, chúng tôi có thể mua thịt đông lạnh và rau. Gần đây, việc nhận hàng quyên góp khó khăn hơn”, cô nói.
Dự án giúp chúng tôi có thêm sự bổ sung thực phẩm, hàng hóa cho cộng đồng. Có nhiều thách thức để tiếp cận nguồn cung trái cây và rau quả tươi. Dẫu vậy chúng tôi vẫn duy trì muốn cung cấp, hỗ trợ cho các gia đình đang đối mặt với nạn đói
Annissa Fitch, đại diện tổ chức Feeding America Riverside San Bernardino
Chia sẻ với CNN, ngân hàng thực phẩm chi nhánh Inland Empire cho biết một số đối tác đã từ bỏ hợp tác hoặc cam kết quyên góp do những hạn chế trong chuỗi cung ứng. Hiện 90% số thực phẩm trong kho của tổ chức được doanh nghiệp tặng thay vì mua.
Để khắc phục tình trạng này, Feeding America Riverside San Bernardino đã khởi động dự án thu gom thực phẩm, sản phẩm dư thừa từ các trang trại hoặc vườn sau nhà của cư dân.
Các gia đình Mỹ đang đối mặt giá lương thực leo thang cao nhất 40 năm qua. Tình trạng này bóp nghẹt ngân sách thực phẩm của các hộ gia đình.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong vòng một năm gần nhất, giá lương thực nói chung đã tăng 10,4%, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 2/1981.
Joshua Dietrich, người điều hành hệ thống phân phối của ngân hàng thực phẩm, cho biết số lượng gia đình gặp khó khăn về thực phẩm vài tháng qua cao hơn 25% so với cùng thời điểm vào năm 2021.