Ngày càng nhiều thanh niên xứ kim chi không thể tìm được việc làm khi nền kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn.
Theo cơ quan Thống kê Hàn Quốc, 1,33 triệu người từ 15 đến 29 tuổi thất nghiệp trong năm nay.
26% trong số đó (khoảng 353.000 người) đang kẹt ở tình trạng không có công việc, không nguồn thu nhập hơn 2 năm. Lần cuối cùng con số này đạt đến mức đó là vào năm 2015 với 27,6%.
Những người “vô công rồi nghề” gần 3 năm ở nước này chiếm 16,8%. Ngoài ra, 37,5% thuộc nhóm cuối cùng cho biết họ đã bỏ cuộc.
“Nếu bỏ lỡ cơ hội ở độ tuổi quan trọng khi bước vào giai đoạn đầu tiên trong xã hội, tích lũy kiến thức, kỹ năng, bạn sẽ khó có khả năng để tiến xa hơn nữa. Ngày càng nhiều người trẻ bị loại khỏi thị trường lao động khi bất ổn kinh tế, chính trị leo thang”, Oh Gye-taek, đại diện Viện Lao động Hàn Quốc, nói.
Một chủ quán cà phê Internet ở đông bắc Seoul cho biết anh không muốn thuê những thanh niên tốt nghiệp trung học năm 2020 và năm ngoái vì họ thiếu kinh nghiệm làm việc bán thời gian.
Bên cạnh đó, lượng công việc có sẵn giảm dần khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều chủ doanh nghiệp hạn chế tuyển thêm nhân sự.
Thời gian tìm kiếm kế sinh nhai của nhóm nhân khẩu học này tại xứ củ sâm cũng mất nhiều thời gian hơn, theo Chosun Ilbo.
Trong một cuộc khảo sát vào tháng 5/2022, 4,02 triệu lao động trẻ cho biết họ mất trung bình 10,8 tháng để tìm được việc làm. Con số này đã giảm xuống 10 tháng vào năm 2020, nhưng vừa tăng trở lại lên 10,1 tháng trong năm ngoái.
Một số sinh viên tốt nghiệp đại học tốn tầm 7,8 tháng để kiếm được một chỗ làm phù hợp.
“Người trẻ thường tìm công việc trong các tập đoàn lớn, công ty nhà nước, tránh doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này càng làm tình hình trầm trọng hơn và vòng luẩn quẩn thất nghiệp không có lối thoát”, một giáo sư tại trường đại học tư nhân ở Seoul, nhận xét.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, bức tranh về nơi làm việc lý tưởng của thế hệ trẻ xứ kim chi đang thay đổi so với các thế hệ trước.
Nhiều người thích làm việc tạm thời, không muốn gắn bó lâu dài ở một vị trí cố định vì cho rằng hình thức này không còn phù hợp trong thị trường lao động bấp bênh như hiện nay.
Số liệu từ Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho thấy 2,2 triệu người đã tìm được việc làm tự do thông qua các nền tảng trực tuyến. Hơn một nửa trong số đó dưới 30 tuổi.
Một số cho rằng kiếm được một nơi làm ổn định ngày càng trở nên khó khăn. Không ít người vẫn phụ thuộc vào nguồn trợ cấp của cha mẹ để duy trì cuộc sống.