Khi khái niệm “thị trường bán lại” xuất hiện, đây dường như mở ra một thế giới mới cho thời trang và phong cách sống của con người. Đến mức người ta đã tin rằng việc kéo dài tuổi thọ của thời trang chỉ cần diễn ra trên một nửa khu vực của thế giới, là chúng ta đã có thể biến ngành công nghiệp thời trang nhanh trở nên bền vững và dân chủ hơn cho tất cả mọi người. Năm 2022, Tái sử dụng - Tái chế - Tái tạo trở thành châm ngôn sống của nhiều người và được xem là phương án tối ưu nhất cho nền văn hóa tiêu thụ quá mức ngày nay.
Động lực chính là vấn đề tài chính
Trong năm qua, các thương hiệu đã tập trung xây dựng tương lai phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường hơn so với quá khứ. Trong công cuộc tìm cách đảo ngược tác động tiêu cực của ngành đối với khí hậu, đa dạng sinh học và cộng đồng, các thương hiệu đẩy mạnh tạo ra các hệ thống vòng tròn (circular system) tăng cường tái chế, tái sử dụng và bây giờ là bán lại (resale). Phương pháp này cho phép thương hiệu tiếp tục tăng trưởng mà không cần tăng sản lượng quá mức và khai thác tài nguyên.
Tham gia vào thị trường thời trang resale, các thương hiệu thời trang xa xỉ có thể khai thác khách hàng nhóm Gen Z và thế hệ Millennials “khát” hàng hiệu nhưng bị giới hạn về hầu bao. Đối với nhiều thương hiệu khác, tham gia thị trường bán lại là cơ hội quan trọng nhất để thương hiệu thể hiện sự cam kết “xanh” với môi trường và người tiêu dùng. Ông James Reinhart, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của nền tảng bán đồ cũ ThredUp, nhận định rằng mặc dù thời trang resale chưa thể vượt qua bán lẻ thời trang mới, nhưng có lẽ đang trên con đường đạt được điều này.
Theo ThredUp, hiện nay có 121 thương hiệu đang thực hiện các chương trình resale. Trong số 100 thương hiệu top (The Recommerce 100), thì có đến 72 thương hiệu bắt đầu triển khai trong năm 2022. Điều này giống như dự đoán của ông Reinhart hồi tháng 4, khi ông nói rằng “số lượng cửa hàng resale ra mắt năm 2022 sẽ nhiều hơn tất cả những gì từ trước đến nay cộng lại”. Trong tháng 11, thương hiệu có nhiều sản phẩm resale nhất là Athleta với 34.525, theo sau đó là Tea Collection (22.591), Lululemon Athletica (13.290) và Tommy Hilfiger (9.925).
Nhiều người thường nghĩ động lực chính để người tiêu dùng mua hàng resale thường liên quan nhiều đến lợi ích cho môi trường. Tuy nhiên các thống kê cho thấy họ quan tâm đến nhiều thứ hơn. Cụ thể, vấn đề môi trường chỉ xếp thứ 3 (12% khách hàng đề cập đến), xếp dưới các lợi ích như tiết kiệm tiền (22%) và tìm được các món hàng “độc đáo” (15%), theo báo cáo của Recurate, một startup chuyên hỗ trợ các thương hiệu khởi động những chiến dịch resale. Còn nghiên cứu của Morning Consult chỉ ra rằng chỉ có 26% người tiêu dùng mua hàng resale vì các lý do phát triển bền vững, kém xa so với 68% khách mua vì giá cả.
Do đó ở một số nền tảng, bên cạnh giá bán sản phẩm mới, họ còn niêm yết thêm giá resale của những sản phẩm tương tự đã qua sử dụng để củng cố giá trị resale của món hàng đó. Chẳng hạn trên Peak Design, trong phần giới thiệu của một sản phẩm giá 219,95 USD, họ đưa ra một đường link quảng cáo “9 sản phẩm đã qua sử dụng khác với giá từ 86 USD”. Trong đó thậm chí còn có sản phẩm resale để giá 225 USD, cao hơn cả giá sản phẩm mới.
Quan điểm của các thương hiệu
Những sản phẩm resale giá rẻ như vậy từng là thứ khiến các thương hiệu “tẩy chay” việc resale, bởi họ lo lắng rằng khách hàng sẽ chỉ mua sản phẩm resale, không mua sản phẩm mới, làm giảm biên lợi nhuận. Thế nhưng hiện nay giá trị resale lại là thứ được đem ra quảng cáo. Bởi vì nó đem đến cho khách hàng một cái nhìn rõ ràng về giá trị mà sau này họ có thể nhận về lại.
Nghiên cứu cho thấy 40% người tiêu dùng dưới 30 tuổi cân nhắc giá trị bán lại của một mặt hàng trước khi đưa ra quyết định mua. Một con số nổi bật khác là số lượng lớn (35%) người có thu nhập cao tham gia kinh doanh đồ cũ.
Lisa Le Long, chủ thương hiệu resale đồ hiệu Re.Loved chia sẻ về động lực chính của khách hàng: “Đầu tiên là tài chính - bạn có thể được giảm giá đến 50% hoặc thậm chí 80% cho một mặt hàng bán lại gần như mới. Thứ hai là giá trị - một món đồ vintage đã ‘sống’ nhiều cuộc đời khác nhau, những điều đó tạo nên giá trị thời gian cho chúng. Cuối cùng là giá trị bảo vệ môi trường khi cho những sản phẩm đã qua sử dụng này một cơ hội thứ hai. Đó là một món đầu tư hời!”
Có nhiều cách để một thương hiệu thời trang xa xỉ gia nhập thị trường resale. Cách đầu tiên chính là thương hiệu liên kết với các nền tảng e-commerce đã có tên tuổi. Ví dụ, Alexander McQueen đã liên kết với Vestiaire Collective để khởi động chương trình mua lại có tên “Brand Approved”, cho phép người tiêu dùng ký gửi các sản phẩm đã sử dụng của hãng để nhận tín dụng trong lần mua sắm tiếp theo tại cửa hàng. Balenciaga cũng hợp tác với nền tảng bán lại nhãn trắng Reflaunt, cho phép khách hàng bán quần áo và phụ kiện Balenciaga đã sử dụng. Số tiền bán được sẽ quy ra tín dụng để khách hàng sử dụng để mua sắm trong tương lai tại Balenciaga.
Hoặc thậm chí, các thương hiệu có thể tự mở ra nền tảng số hóa riêng. Với phương pháp này, các thương hiệu tự xuất ra sản phẩm đã qua mùa từ kho lưu trữ của mình, hoặc mua lại các sản phẩm đã qua sử dụng từ chính khách hàng của hãng. Điển hình là Gucci Vault, một cửa hàng nơi chứa các sản phẩm Gucci cổ điển được phục chế bởi Alessandro Michele. Hoặc Coach cũng có (Re)Loved, nơi bán túi xách vintage đã được phục chế, nâng cấp. Phương thức này cho phép các thương hiệu kiểm soát chất lượng mặt hàng, giá cả, cũng như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tránh tiếp tay cho hàng fake trên thị trường thời trang resale.
Tất nhiên, không phải thương hiệu thời trang nào cũng xem trọng việc gia nhập thị trường resale. Có thể kể đến Louis Vuitton, Dior, Chanel, Hermès… CEO của Hermès, Axel Dumas, đã dứt khoát từ chối gia nhập thị trường bán lại. Ông cho rằng sự tham gia tích cực của thương hiệu vào thị trường bán lại “sẽ gây bất lợi cho khách hàng thường xuyên đến cửa hàng của chúng tôi”.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận hình ảnh và môi trường của LVMH Antoine Arnault tiết lộ trong thời điểm hiện tại tập đoàn “sẽ tránh xa thị trường đồ cũ đó”. Còn Bruno Pavlovsky, chủ tịch mảng thời trang Chanel, đã giải thích sự ác cảm của thương hiệu đối với việc thị trường thời trang resale: “Chúng tôi muốn giữ quyền kiểm soát việc phân phối của mình”.
Dù sao thì, kết thúc năm 2022, khảo sát của GlobalData cho thấy, 41% người được hỏi cân nhắc mua hàng "secondhand" trước khi mua hàng mới, ở Gen Z và Millennials là 62%. Số liệu từ Boston Consulting Group cho thấy, quy mô thị trường quần áo đã qua sử dụng toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 77 tỷ USD vào năm 2025. Doanh thu thị trường này được dự đoán vượt qua ngành thời trang nhanh vào năm 2027, tăng trưởng gấp 3 lần ngành thời trang thông thường.