Đây là khẳng định của bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 15/7.
Cụ thể, bà Giang cho biết năm nay, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 14%. Trong đó có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến thực tế của thị trường để kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng , tăng 9,35% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,47% cùng kỳ.
Không siết nhưng phải kiểm soát
Đối với hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản; chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp; BOT, BT giao thông… bà Giang cho biết định hướng của NHNN là tăng cường quản lý rủi ro. Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ không chủ trương hạn chế tín dụng đối với bất động sản và các lĩnh vực này nhưng cần kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết việc thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động gần đây dự kiến cũng tác động đến ngành ngân hàng.
Vì vậy, trong những tháng cuối năm, ngành ngân hàng sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.
Trước đó, số liệu được Thống đốc NHNN đưa ra cho biết tính đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã đạt 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Đây vẫn là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành. Với mức dư nợ này, cho vay bất động sản đang chiếm khoảng 20,66% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Trong tổng số 2,33 triệu tỷ dư nợ đã cấp cho lĩnh vực bất động sản, NHNN cho biết khoảng 1,55 triệu tỷ đồng (66,3%) là dư nợ cho vay tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản, tăng 14,41% so với đầu năm. Ngoài ra, dư nợ với mục đích kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 33,7%, tương đương hơn 786.000 tỷ đồng , tăng 8,4%.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngoài việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nguồn vốn huy động, trong những năm qua, các ngân hàng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến ngày 31/5, dư nợ cho vay nhà ở với các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội là 3.131 tỷ đồng với hơn 129.000 khách hàng còn dư nợ.
Xem xét nới điều kiện cho vay ưu đãi lãi suất 2%
Tại hội nghị lần này, vấn đề điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng được lãnh đạo NHNN chỉ đạo. Trong đó, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết để được tiếp cận nguồn vốn này các đối tượng vay phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngân hàng thương mại.
Theo đó, chỉ những doanh nghiệp có phương án, khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh mới được vay vốn. Các doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện, không phải đối tượng của gói hỗ trợ này sẽ không được vay ưu đãi.
Tuy nhiên, Phó thống đốc cho biết trong quá trình triển khai, NHNN sẽ xem xét việc có nới điều kiện hay không, trong đó, các quy định mới sẽ được tổng hợp để lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết theo quy định, gói cho vay ưu đãi lãi suất 2% sẽ không áp dụng với các khách hàng đã được cơ cấu lại nợ trong thời gian qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại rất khát vốn để phục hồi sản xuất, vì vậy, Phó thống đốc cho rằng cần xem xét để các doanh nghiệp này cũng được tiếp cận vốn vay ưu đãi lãi suất.
Hiện tại, Phó thống đốc cho biết các ngân hàng đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 gần 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là trên 23.965 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng.
Đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, từ nay đến hết năm 2022, các ngân hàng cần chọn lọc, thẩm định, cho vay với các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần có đánh giá đối với các khoản vay đã kết thúc thời hạn cơ cấu, thực hiện phân loại nợ sau thời gian cơ cấu theo đúng quy định; đồng thời tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng bổ sung đối với các khoản nợ theo đúng lộ trình quy định tại các Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông 14 của NHNN.