Madelyn Machado, 33 tuổi, đang sống tại Florida, là cựu nhân viên tuyển dụng của tập đoàn Meta. Kể từ khi bắt đầu công việc vào tháng 9/2021, Machado đã dành phần lớn thời gian cho các cuộc họp mà không đạt được kết quả gì. Cô chia sẻ cả Facebook và Instagram đều có quá nhiều nhân viên tuyển dụng.
“Chúng tôi không tuyển dụng được bất kỳ ai và vẫn có lương”, Machado chia sẻ trong video trên nền tảng TikTok.
Machado nhận mức lương 190.000 USD/năm nhưng khi nhận việc, cô được thông báo mình không cần tuyển dụng bất kỳ ai trong năm đầu tiên vì vẫn trong giai đoạn học việc.
Trong những tuần gần đây, nhiều nhân viên từng làm cho các công ty công nghệ lớn khác cũng chia sẻ nội dung tương tự, thu hút hàng triệu lượt xem. Họ nói bản thân nhận lương mà không phải làm gì nhiều.
Những lời thú nhận này nhận nhiều chỉ trích trên mạng xã hội, song các giám đốc điều hành và chuyên gia trong ngành cho biết chúng không có gì đáng ngạc nhiên.
Các công ty công nghệ bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có điểm chung là túi tiền của họ đều rủng rỉnh. Do đó, họ sẵn sàng xây dựng nguồn nhân lực dự bị và thu hút nhân tài từ đối thủ cạnh tranh, ngay cả khi những nhân viên này sẽ không được khai thác hết công suất, theo Wall Street Journal.
“Thước đo phù phiếm”
Ông Vijay Govindarajan, giáo sư tại Trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth, cho biết các công ty công nghệ thường “tuyển dụng trước khi có nhu cầu”.
Sự thiếu hụt nhân tài trong đại dịch đã tạo nên cảm giác cấp bách, thúc đẩy phong trào tuyển dụng rầm rộ. Và khi đối mặt với cuộc chiến giành nhân tài, “bạn sẽ muốn tuyển dụng trước những người khác”, ông nói.
Vị giáo sư cũng chỉ ra rằng vào đầu những năm 2000, các lĩnh vực khác như ngành tài chính cũng từng tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, khiến một số nhân viên nhàn rỗi, không có việc làm.
Trước khi chuyển đến Meta, Machado làm việc tại Microsoft. Cô từ bỏ vị trí cũ sau khi trải qua 3 cuộc phỏng vấn và nhận được mức lương cao hơn 70.000 USD.
Tại Meta, một ngày làm việc bình thường của Machada bắt đầu lúc 11h. Sau đó, cô tham gia một số cuộc họp đến 15h30 và dành một giờ kiểm tra hoạt động tuyển dụng trên LinkedIn trước khi đăng xuất. Cô đã bị Meta sa thải sau những video chia sẻ trên Tiktok, với lý do xung đột lợi ích.
Theo trang web Layoffs.fyi, kể từ đầu năm đến nay, các công ty công nghệ đã sa thải hơn 168.000 người. Nhiều giám đốc điều hành, bao gồm cả CEO Meta Mark Zuckerberg, đã xin lỗi về việc tuyển dụng quá nhiều và dự đoán sai lầm rằng tăng trưởng chi tiêu trực tuyến sẽ kéo dài sau đại dịch Covid-19.
Keith Rabois, nhà đầu tư mạo hiểm và là cựu giám đốc điều hành PayPal, chỉ trích các công ty công nghệ lớn vì coi việc tuyển dụng là “thước đo phù phiếm”, cố tuyển dụng nhân tài chỉ để ngăn họ làm việc cho các công ty khác.
Một số nhân viên bị sa thải cũng đồng tình. “Có lẽ họ chỉ tích trữ chúng tôi như thẻ Pokémon”, Britney Levy, cựu nhân viên làm việc cho Meta từ tháng 4/2022, cho biết trong một video TikTok.
Levy được tuyển dụng qua chương trình đào tạo kéo dài một năm nhằm thu hút đa dạng nhân tài. Tuy nhiên, cho đến khi bị sa thải vào tháng 11/2022, cô chỉ được phân công một nhiệm vụ.
Dự trữ nhân tài
Lý giải tình trạng này, ông Patrick Moloney - thuộc công ty tư vấn Willis Towers Watson PLC - cho biết việc dự báo nhu cầu tuyển dụng rất khó khăn trong giai đoạn đại dịch. Các công ty công nghệ cần thận trọng với những vị trí đặc biệt khó tuyển dụng, chẳng hạn kỹ sư phần mềm hay các lĩnh vực có nhu cầu cao như trí tuệ nhân tạo.
“Nếu nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ tự hỏi tại sao họ lại thuê người đó?”, ông nói. Nhưng một năm sau, công ty có thể thực sự cần họ. Người lao động thường mất thời gian thích ứng trước khi có thể cống hiến hiệu quả cho công việc.
Trong khi đó, một số chuyên gia chỉ trích văn hóa doanh nghiệp lỏng lẻo ở Thung lũng Silicon, tạo cơ hội cho nhiều người giữ được việc dù không cần chăm chỉ.
Bên cạnh đó, việc các công ty công nghệ chấp nhận làm việc từ xa càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, ông Thomas Siebel, người đứng đầu công ty phần mềm C3.ai Inc., nhấn mạnh.
“Họ thực sự không làm gì khi làm việc tại nhà", Business Insider dẫn lời ông Siebel.
Công ty của CEO này có cách tiếp cận thận trọng hơn các tập đoàn công nghệ khác. Chẳng hạn, nhân viên của họ phải làm việc toàn thời gian tại văn phòng. Ông Siebel cho rằng đây là biện pháp cần thiết để đạt được hiệu suất và khả năng hợp tác cao.
Derrick McMillen, một nhân viên kỳ cựu khác từng làm việc tại Facebook và Salesforce trước đại dịch Covid-19, cũng chia sẻ trong thời gian ở Salesforce, anh cảm thấy như 20% nhân viên hoàn thành tới 80% công việc, trong khi các đồng nghiệp khác chỉ tập yoga và ăn trưa. Thậm chí, một số người đùn đẩy công việc cho đồng nghiệp khác và những người từ chối đều có nguy cơ bị coi là có thái độ không tốt.
“Khi văn hóa công ty khiến nhân viên không thể nói với đồng nghiệp rằng họ đang làm việc kém hiệu quả, (công ty) sẽ phải hoạt động với một đội ngũ lười biếng”, McMillen cho biết và nói thêm anh thích các công ty nhỏ vì mọi người có trách nhiệm hơn.
Salesforce từ chối bình luận. Song ông Marc Benioff, giám đốc điều hành của công ty, từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal rằng việc duy trì “nhân viên dư thừa” không tốt cho hoạt động của công ty.
Đến tháng 1, Salesforce thông báo sa thải 10% nhân viên, tương đương khoảng 8.000 người, theo News York Times.
Rõ ràng các tập đoàn công nghệ có đủ năng lực tài chính để thuê nhân viên dự bị. “Họ thuê mọi người dù có cần hay không, chỉ để có nguồn nhân lực dự trữ", ông Val Katayev, nhà đầu tư và chủ một công ty quảng cáo, cho biết.
Song gần đây, các giám đốc điều hành nhận thấy việc cắt giảm nhân sự không ảnh hưởng lớn đến năng suất, đồng thời họ cũng thừa nhận “bản thân đã không nhận ra mình kém hiệu quả như thế nào”, ông Katayev nói thêm.