Trung Quốc và Nhật Bản đang lo lắng về sự suy yếu của tiền tệ, có nghĩa là các nhà đầu tư cần cảnh giác với các dấu hiệu về việc chính phủ 2 nước có thể có những hành động can thiệp. Ngân hàng trung ương Úc sắp họp và chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu tới.
Dưới đây là các dữ liệu tài chính thế giới quan trọng sẽ diễn ra trong tuần 3 – 7/7/2023:
1/ Dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ
Những nhà đầu tư đặt cược vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tìm được cơ sở cho niềm tin của mình từ thị trường lao động vững chắc. Nhưng sức mạnh của thị trường này hiện nay thực sự ra sao? Điều đó sẽ thể hiện ở báo cáo việc làm hàng tháng, sẽ được công bố vào ngày 7 tháng 7.
Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters dự đoán nền kinh tế Mỹ tháng 6 tạo ra 200.000 việc làm mới, thấp hơn so với mức tăng của tháng trước.
Vào tháng 5, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng 339.000, cao hơn nhiều so với ước tính, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất 7 tháng, là 3,7% cho thấy các điều kiện thị trường lao động đang dịu bớt.
Báo cáo việc làm được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang trong tháng Sáu đã bỏ qua việc tăng lãi suất, sau khi đã tăng trong 10 cuộc họp liên tiếp trước đó. Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng Bảy. Tất nhiên, nếu thị trường lao động suy yếu hơn dự kiến thì một động thái như vậy trở nên đáng nghi ngờ.
Nhìn chung, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lãi suất sẽ thay đổi với "tốc độ thận trọng" kể từ đây.
2/ Trung Quốc có thể sẽ gia tăng kích thích kinh tế
Các dữ liệu của Trung Quốc làm gia tăng dự đoán rằng Bắc Kinh sẵn sàng kích thích nền kinh tế đang phát triển chậm chạp và hỗ trợ cho đồng nội tệ đang suy yếu.
Các nhà phân tích của Societe Generale cho biết, chỉ số quản lý mua hàng Caixin của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc hôm thứ Hai (3/7) có thể cho thấy các điều kiện kinh doanh của nước này đang xấu đi.
Niềm tin của người tiêu dùng yếu và thị trường bất động sản mờ nhạt đã khiến cổ phiếu Trung Quốc giảm khoảng 5% trong quý vừa qua. Đồng nhân dân tệ cũng mất giá khoảng 5% so với đồng đô la từ đầu năm đến nay.
Bằng cách thiết lập một biên độ giao dịch mạnh hơn dự kiến cho đồng tiền của mình vào ngày 27 tháng 6, Trung Quốc có thể đã chứng tỏ rằng chính sách kinh tế đang chuyển sang chế độ kích thích.
Để giữ mức tăng trưởng GDP năm 2023 trên 5%, các nhà chức trách của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, đẩy mạnh hỗ trợ người mua nhà và tăng đầu tư vào sản xuất công nghệ cao. Và nếu tăng trưởng tiếp tục xấu đi, các nhà phân tích cho rằng Chính phủ sẽ có phản ứng "mạnh mẽ hơn".
3/ Úc sẽ tiếp tục tăng lãi suất?
Những dữ liệu kinh tế Úc khiến các nhà đầu tư khó dự đoán về việc Ngân hàng Dự trữ Úc có hay không lặp lại một lần nữa các quyết định chính sách của mình vào thứ Ba (4/7).
Dữ liệu doanh số bán lẻ Úc công bố hôm thứ Năm (29/6) cho thấy sự ổn định, gợi ý khả năng Ngân hàng Úc chuẩn bị tăng lãi suất, nhưng dữ liệu lạm phát tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất 13 năm đem lại hy vọng chu kỳ thắt chặt sắp kết thúc.
Trước đó, một báo cáo việc làm mạnh mẽ côn bố giữa tháng Sáu đã khiến thị trường gia tăng đặt cược lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên.
Kết quả là tỷ lệ đặt cược của thị trường là 1/3 cho rằng lãi suất sẽ tăng tiếp trong kỳ họp tháng Bảy, trong bối cảnh đồng đô la Úc suy yếu xuống thấp nhất trong nhiều tuần.
4/ Vấn đề của Nga ảnh hưởng tới rúp Nga và hàng hóa thế giới
Tình hình chính trị ở Nga đã bình thường trở lại, nhưng sự kiện bất ổn gần đây đã và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các thị trường hàng hóa, từ đầu thô đến ngũ cốc – những mặt hàng vốn nhạy cảm nhất với những thay đổi trong nước ở Nga.
Đồng rúp Nga không ngừng lao dốc qua ngưỡng 89 rúp đổi 1 USD, chạm mức thấp nhất hơn 15 tháng.
5/ Vấn đề lạm phát
Lạm phát đã giảm bớt từ mức cao nhất trong nhiều năm. Nhưng đối với bất kỳ ai đã từng đi siêu thị, đổ xăng vào ô tô hoặc thậm chí trả tiền mua vé xem hòa nhạc ở các nền kinh tế lớn, chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao.
Các nhà nghiên cứu của IMF tính toán rằng trong quý đầu tiên, lợi nhuận của công ty chiếm 45% mức tăng lạm phát hàng năm của khu vực đồng euro, cho đến nay vẫn là yếu tố đóng góp lớn nhất và tỷ lệ đó cũng tương tự ở những nơi khác.
Điều đó cho thấy rằng các công ty cần phải từ bỏ một số lợi nhuận của họ nếu lạm phát trở lại mục tiêu.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các ngân hàng trung ương đã có một số thành công trong việc dập tắt lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Trong khi đó, các dòng chảy thương mại đã bình thường hóa trở lại sau khi tắc nghẽn vì cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi chi phí của các mặt hàng như lúa mì, dầu hướng dương hoặc dầu mỏ đã giảm bớt.
Với cuộc chiến lạm phát còn lâu mới kết thúc, các công ty hiện có thể phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các nhà hoạch định chính sách cũng như người tiêu dùng.
Tham khảo: Refinitiv