Anh Thư (29 tuổi) biết đến công ty qua lời giới thiệu của người quen và từng kết hợp với họ trong vài dự án nhỏ. Khi đơn vị này ngỏ lời mời làm việc chính thức, Thư nhận lời ngay vì không muốn bỏ lỡ cơ hội tốt.
Cuộc phỏng vấn của cô diễn ra khá suôn sẻ dù phải trải qua nhiều vòng kiểm tra. Thậm chí, Thư còn nghĩ mình đã nắm chắc vị trí mới.
“Họ nói chỉ cần hoàn tất các thủ tục giấy tờ. Tôi được thêm vào các nhóm làm việc, nhận các tài liệu nội bộ để tự tìm hiểu về văn hóa công ty. Mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ, trơn tru nên tôi không có chút lo lắng nào”, cô nói với Zing.
Sau đó, Thư liên lạc với bộ phận nhân sự (HR) để làm rõ về mức lương và các chế độ phúc lợi, nhưng nhận được phản hồi “sẽ nhắn sau”. Quá ngày hẹn mà vẫn không có thông tin, cô chủ động hỏi lại thì hoảng hốt vì công ty báo hủy quyết định tuyển dụng.
“Công ty cho rằng tôi ở Lâm Đồng, khó đáp ứng nhu cầu làm việc trực tiếp của dự án mới. Dù tôi sẵn sàng thu xếp thuê nhà tại TP.HCM, họ vẫn từ chối. Tôi thực sự rất giận dữ sau khi nghe những lý lẽ mâu thuẫn. Thay vì thẳng thắn, họ lại vòng vo, ngụy biện gây mất thời gian đôi bên”, Thư bày tỏ.
Trả lời bằng sự im lặng
Theo kết quả khảo sát của Indeed, tỷ lệ nhà tuyển dụng “bỏ bom” có xu hướng tăng cao từ sau dịch Covid-19. 77% ứng viên được hỏi cho biết từng gặp rắc rối với HR, trong đó 10% bị hủy lời mời hợp tác dù được trực tiếp nhận việc trong buổi phỏng vấn.
Các lý do mà công ty đưa ra thường bao gồm: cắt giảm nhân sự, thay đổi số lượng cần tuyển hoặc không đáp ứng được mức lương ứng viên mong muốn.
Tại Việt Nam, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều doanh nghiệp. Không riêng Anh Thư, một số bạn trẻ rơi vào thất vọng khi công ty mình ứng tuyển bất ngờ quay lưng. Có trường hợp hủy hẹn phỏng vấn sát giờ, số khác lẳng lặng hủy kết quả tuyển dụng và không thông báo lý do.
Sau cùng, ứng viên trở thành người thiệt hại bởi đặt nhiều kỳ vọng cùng kế hoạch cho công ty này.
Sau sự cố, Anh Thư bối rối vì không tìm ra được lý do bị “bỏ bom”. Cô còn tự trách mình khi bỏ lỡ nhiều đơn vị uy tín khác, đồng thời hoài nghi về năng lực của mình.
“Tôi từng nghe về chuyện ứng viên bị HR ‘xù’, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nạn nhân. Đáng ra tôi nên tỉnh táo, chú ý hơn từ lúc họ hỏi những câu lằng nhằng, thiếu tính chuyên môn. Đây quả là bài học nhớ đời”, Thư nói thêm.
3 ngày trước khi chính thức đi làm tại một công ty bất động sản, Hồng Vân (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ nhận thông báo hủy quyết định tuyển dụng. Cô cho rằng mình hoàn toàn ở thế bị động, không biết xử lý như thế nào.
“Tôi phải chủ động liên lạc để hỏi về quy trình nhận việc, chứ công ty vốn im lặng từ sau buổi phỏng vấn. Lúc này, họ giải thích rằng do thay đổi quy chế nên không thể giữ vị trí của tôi. Suốt cuộc điện thoại, tôi chỉ biết ậm ừ chứ không nói được gì vì sốc”, cô bày tỏ.
Trước đó, quá trình trao đổi của Vân và đại diện công ty diễn ra khá suôn sẻ. Người tiền nhiệm còn mong cô nhận việc sớm để theo sát tiến độ công việc.
Trong thời gian chờ bộ phận HR liên lạc, cô từ chối 2 doanh nghiệp khác đã phỏng vấn thành công trước đó. Vị trí gần nhà, tiện chăm sóc con nhỏ là lý do cô chọn doanh nghiệp này, dù mức lương không cạnh tranh.
Sau sự cố, Vân buồn bã và tự trách chính mình.
“Tôi tiếc thời gian và sự nỗ lực đã bỏ ra để thuyết phục nhà tuyển dụng", cô nói, cho biết thêm hiện làm việc tại nơi mới nhưng vẫn chưa hết ám ảnh bởi sự cố xin việc trước đây.
Thất nghiệp sát ngày nhận việc
Quỳnh Anh (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) gặp rắc rối với HR ngay trong lần đầu tìm việc. Dù đã nhận được thư trúng tuyển, cô vẫn bị công ty yêu cầu tham gia một vòng phỏng vấn gấp với mục đích sàng lọc ứng viên.
Để đáp ứng yêu cầu, cô vội vàng thay đổi mọi lịch hẹn cá nhân và liên lạc với đại diện nhân sự của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người này cho rằng ứng viên “chậm trễ trong việc phản hồi” và hủy kết quả tuyển dụng qua vài dòng thông báo trong email.
“Phía công ty khẳng định đây là lỗi của tôi và họ chỉ xử lý theo quy trình. Khi tôi hỏi lại, họ không đưa ra được lý lẽ nào xác đáng. Từ khi nhận thông tin phỏng vấn gấp đến lúc tôi xác nhận tham dự chỉ gói gọn trong 1 tiếng đồng hồ. Thú thật, đến giờ tôi vẫn hoang mang, không biết chính xác mình đã làm sai điều gì”, Quỳnh Anh nói.
Sau đó, cô gái 23 tuổi quyết định gửi email trình bày sự việc, mong doanh nghiệp tạo điều kiện cho đôi bên gặp gỡ, giải quyết vấn đề. Phía HR đồng ý, hẹn báo lại lịch khác rồi im lặng suốt 3 tháng. Đến nay, Quỳnh Anh vẫn không có thông tin gì từ họ.
Là nhân viên phần mềm nhiều kinh nghiệm, anh nhanh chóng vượt qua vòng phỏng vấn và nhận được tin nhắn hẹn ngày nhận việc từ công ty mới.
Anh cũng hoàn tất thủ tục nghỉ việc ở chỗ làm cũ cũng như từ chối mọi đề nghị hợp tác khác.
Sát ngày đi làm, HR đột ngột thông báo đã tuyển đủ lập trình viên và đơn phương thay đổi quyết định. Quốc Anh bàng hoàng vì “tự dưng thành người thất nghiệp”.
Không được giải thích cặn kẽ, anh quyết định chia sẻ câu chuyện của mình trên các diễn đàn dành cho dân IT.
Dù vậy, chàng trai 23 tuổi vẫn tổn thương vì bị xem thường. Bên cạnh đó, anh cho rằng hầu như không có cách nhận diện rủi ro trước các trường hợp này.
“Lúc tôi gọi trao đổi, họ lại vòng vo, cho rằng tôi chậm trễ trong khâu thôi việc ở chỗ làm cũ. Tôi nghĩ đó chỉ là cách để họ thoái thác trách nhiệm. Nếu tôn trọng tôi, công ty đã không hành xử như thế. Trước đây, ứng viên chỉ đề phòng doanh nghiệp ‘ma’, quy mô nhỏ lẻ. Không ngờ các đơn vị lớn, nổi tiếng cũng có thể kém chuyên nghiệp đến như vậy”, Quốc Anh nói thêm.
Đừng tự dằn vặt
Trao đổi với Zing, chị Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group, cho rằng có nhiều nguyên nhân để dẫn đến các sự cố trong quá trình tuyển dụng. Đặc biệt, khi tình hình kinh doanh thay đổi, quyết định liên quan đến nhân sự cũng bị tác động.
Theo chị, việc “tạm đóng” vị trí tuyển dụng luôn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cả HR và ứng viên cần trao đổi thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để cùng tìm ra hướng giải quyết.
“Tôi nghĩ ai cũng gặp khó khăn trong hoàn cảnh này, kể cả HR. Điều tôi quan tâm nhất là đánh giá tình huống để giảm thiểu thiệt hại cho đôi bên. Đặc biệt, chúng tôi không bao giờ thay đổi quyết định khi đã gửi thư mời nhận việc. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng của công ty dành cho ứng viên”, chị nói thêm.
Chuyên gia khuyên các bạn trẻ nên chủ động tìm kiếm cơ hội mới. Có thể doanh nghiệp này chưa phải là nơi phù hợp để gắn bó lâu dài, chứ không phải vì ứng viên mắc lỗi.
Bên cạnh đó, chị Hoài Linh cũng đưa ra một số gợi ý để tăng khả năng thành công trong quá trình phỏng vấn việc làm:
- Hiểu rõ giá trị bản thân, vạch rõ các giới hạn. Liệt kê cụ thể điểm mạnh, yếu để phát huy, cải thiện khi cần.
- Xác định nhu cầu, mong muốn, định hướng phát triển nghề nghiệp để chọn đúng công ty.
- Tìm hiểu trước về môi trường, văn hóa công sở. Tuy nhiên, cần tỉnh táo trước các thông tin tràn lan trên Internet.
- Trong cuộc phỏng vấn, ứng viên nên mạnh dạn trình bày nhu cầu và các thắc mắc trên tinh thần tôn trọng chung.
Còn theo CNBC Make It, nếu không may rơi vào tình huống bị HR “bỏ bom”, các ứng viên nên nhanh chóng cập nhật hồ sơ trên trang tuyển dụng, cân nhắc những lời mời làm việc khác.
Bên cạnh đó, họ cũng có thể cân nhắc việc quay trở về công ty cũ, xem xét một số giải pháp về pháp lý nhằm yêu cầu công ty trình bày rõ ràng lý do ngừng tuyển dụng.
Cuối cùng, người lao động nên bảo vệ mình vào những lần sau bằng cách lựa chọn kỹ doanh nghiệp, cũng như không nên tốn thời gian dằn vặt chính mình nếu chưa gặp may.