Ở Hàn Quốc, với sự phát triển của phát sóng trực tiếp, những huyền thoại thể thao, nghệ sĩ vĩ đại hay ngôi sao điện ảnh, doanh nhân thành đạt có thể kiếm tới hàng trăm triệu USD. Ngoài ra, một nghề nghiệp khác có thể thành công không kém là giáo viên, theo Korea Herald.
Trong bộ phim truyền hình Crash Course in Romance của đài tvN lên sóng vào tháng 1, nam chính Choi Chi Yeol được gọi là “người đàn ông một nghìn tỷ won” (800 triệu USD) với tư cách là giảng viên online, trực tiếp và phát hành nhiều tài liệu học tập.
Được mệnh danh là “BTS trong lĩnh vực giáo dục tư nhân”, Choi quay quảng cáo giới thiệu về mình. Anh nhảy, nhại lại một cảnh đánh nhau trong phim Kingsman: The Secret Service và kết thúc bằng câu thoại chế: “Kiêu hãnh tạo nên toán học”. Trong phim, trường dạy thêm Choi làm việc có tên Học viện Kiêu hãnh.
Giảng viên ngôi sao
Giống như những người nổi tiếng với ê-kíp gồm quản lý, nhà tạo mẫu và chuyên viên trang điểm, Choi thuê một nhóm trợ giảng làm việc giống như một công ty nhỏ hay nhóm chuyên gia tư vấn làm mọi việc, từ phân tích, soạn đề thi cho đến quảng cáo.
Dù là hư cấu, nội dung trong bộ phim này không khác nhiều so với thực tế.
Ở Hàn Quốc, cuộc đua khốc liệt vào các trường hàng đầu đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh. Trong giới này, có một kiểu người không khác ngôi sao, được gọi là giảng viên “ilta” - “il” trong tiếng Hàn nghĩa là số 1, “ta” là ngôi sao.
Những giáo viên “ngôi sao số 1” này tích lũy được khối tài sản khổng lồ, danh tiếng và sự hâm mộ nhờ thúc đẩy được học sinh chăm chỉ hơn, hiểu kiến thức hơn và làm tốt hơn trong các kỳ thi.
Năm 2020, Lee Ji Young, giáo viên nổi tiếng với các bài giảng trực tuyến, tiết lộ số dư tài khoản ngân hàng là khoảng 13 tỷ won, thu nhập hàng năm hơn 10 tỷ won chỉ tính tiền lương. Lee sở hữu nhiều siêu xe và đeo đồng hồ, trang sức xa xỉ. Các clip ghi lại bài giảng của cô hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.
Lớp học là sân khấu
Những người hướng dẫn như Lee không chỉ giảng dạy tốt mà còn giỏi trong việc giữ cho những học sinh mệt mỏi đang theo dõi tỉnh táo, bằng cách thực hiện những động tác nhảy hoặc chiêu thu hút sự chú ý giữa lớp học, hoặc thậm chí đội tóc giả, hóa trang ở những lớp online. Giống các thần tượng Kpop, một số giáo viên còn nổi tiếng nhờ ngoại hình đẹp.
Trong các bài phỏng vấn, Lee cho biết cô dậy lúc 4h30, dành một tiếng để làm tóc, trang điểm với nhóm chuyên viên trước khi giảng bài liên tục trong 13 tiếng.
“Phong cách và thời trang của giảng viên cũng có thể là một yếu tố khiến bài giảng thú vị hơn”, cô giải thích.
Không phải mới đây, các giáo viên ngôi sao mới nhận được sự chú ý như vậy ở xứ kim chi.
Vào những năm 90, một trường luyện thi nổi tiếng tên Hongik Hagwon ở Gangnam, nơi giảng viên Kim Sam Ryong vừa bị ghét, vừa được săn đón vì phong cách giảng dạy. Trong giờ học, Kim thường viết lên bảng 5 bài toán từ kỳ thi trước của các trường trung học quanh Gangnam, gọi vài em trong căn phòng hơn 100 học sinh lên giải.
Ai giải sai sẽ bị đánh vào mông bằng gậy gỗ trước lớp. Kim cũng hay ném các mẩu phấn vào bảng đen, hét lên tầm quan trọng của một vấn đề, nhổ nước bọt, vò đầu giận dữ.
Tuy nhiên, các lớp học của Kim luôn chật kín nhờ tin đồn Kim đã giúp một số học sinh kém đỗ Đại học Quốc gia Seoul.
Áp lực
Người Hàn Quốc săn đón những giáo viên nổi tiếng từ những năm 60 khi có một kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở.
Từ cuối những năm 60 đến những năm 70, gia sư riêng trở thành xu hướng phổ biến. Không hiếm những câu chuyện lan truyền về các bà mẹ bán nhẫn vàng để có tiền thuê gia sư xịn, bồi bổ gia sư để có sức dạy con mình.
Sau khi hoạt động dạy thêm bên ngoài trường học bị cấm vào năm 1980, cơn sốt giáo dục tư nhân lắng xuống trong vài năm cho đến khi việc dạy thêm bất hợp pháp nổi lên. Gia sư trung tâm được phép dạy trong thời gian nghỉ ở trường từ năm 1989 và lệnh cấm dạy thêm được dỡ bỏ vào năm 2000.
“Những gia sư, người hướng dẫn được ví như ‘cái nhíp’ vì tài chọn ra các câu hỏi sẽ xuất hiện trong các bài kiểm tra phát triển mạnh vào những năm 70, 80. Nhiều người xếp hàng từ sáng sớm để đăng ký lớp học của các giáo viên học viện nổi tiếng vào những năm 90. Vì vậy, nhu cầu luôn luôn có, nhưng không phải ai cũng thuê được vì lý do tài chính hoặc địa lý”, Huh Yeol, giáo sư công nghệ giáo dục tại Đại học Kennesaw, nhận định.
“Sau đó, Internet và các khóa học trực tuyến xuất hiện vào những năm 2000, loại bỏ rào cản kinh tế và địa lý, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiềm năng, dẫn đến sự phát triển bùng nổ của thị trường bài giảng trực tuyến”.
Theo giáo sư, các khóa học trực tuyến cũng có lợi cho các giáo viên trung tâm khi không bị ràng buộc về không gian, thời gian, đem lại lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, loại hình giáo dục này cũng có nhiều bất cập. Trong nhiều bộ phim từng có câu chuyện về những người mẹ âm mưu hạ bệ các học sinh đạt điểm cao để đưa con mình vào lớp ôn thi chất lượng; câu chuyện về những đứa trẻ căng thẳng, mệt mỏi mắc kẹt trong trường luyện thi đến đêm muộn, tới mức trở thành kẻ ăn cắp vặt hoặc nói dối để giải tỏa chính là sự phản ánh thực tế.
Và không chỉ những đứa trẻ phải chịu áp lực lớn. Giáo viên ngôi sao Choi trong Crash Course in Romance cũng mắc chứng rối loạn ăn uống do làm việc quá sức và căng thẳng.
Tuy nhiên, những giảng viên “ilta” vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều người Hàn Quốc mơ thành ngôi sao trên YouTube hay ở học viện, giống như ngôi sao Kpop đối với trẻ em.
Ví dụ, Lee Ji-young nổi tiếng với những bài nói chuyện khích lệ sự tích cực, gan dạ, cách cô đạt được thành công khi lớn lên trong nghèo khó. Nhiều người bình luận bản thân đã khóc khi nghe và nhận được sự động viên, giúp vượt qua khó khăn.
"Cuối tuần là bận rộn nhất. Tôi giảng bài ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tôi có 3,5 triệu học sinh", Lee nói trong một bài phỏng vấn gần đây trên YouTube.