Theo Bloomberg, động thái mở cửa của Trung Quốc sau thời gian dài thi hành các biện pháp chống dịch đã khiến nhiều nhà sản xuất ôtô truyền thống tỏ ra lạc quan về doanh số trong giai đoạn còn lại của năm 2023.
Sau chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 2, ông Oliver Blume – CEO của Volkswagen – tin rằng doanh số của hãng xe Đức tại quốc gia này sẽ trở nên khả quan hơn, trong khi giới lãnh đạo BMW cũng chia sẻ quan điểm tích cực tương tự.
Dù vậy, Bloomberg đánh giá sự lạc quan ngắn hạn này chỉ đang che đậy những vấn đề nan giải của những tên tuổi sản xuất ôtô truyền thống đến từ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Trên thực tế, phần đông trong số họ đang dần bị đào thải khỏi thị trường ôtô của đất nước tỷ dân.
Mất 20% thị phần sau 2 năm
Từ mức thị phần chung gần 60% hồi quý I/2020, nhóm các nhà sản xuất ôtô nước ngoài chỉ còn nắm giữ hơn 41% thị phần tại Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm ngoái.
Theo BloombergNEF, doanh số của các thương hiệu ôtô nước ngoài vẫn sẽ phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm nay nhờ các chương trình khuyến mại được áp dụng cho nhóm xe đời cũ.
Tuy nhiên, chuyên trang này cũng dự đoán rằng thị phần chung tại Trung Quốc của các nhà sản xuất ôtô nước ngoài sẽ dừng lại ở mức dưới 50% khi năm 2023 khép lại.
Trên thực tế, các hãng ôtô nước ngoài không sở hữu kết quả kinh doanh thực sự tương đồng tại thị trường Trung Quốc. Trong khi ôtô của Toyota vẫn đạt sức tiêu thụ tốt tại đất nước tỷ dân, những đối thủ đồng hương như Nissan hay Honda lại ghi nhận mức sụt giảm khá lớn về doanh số trong vài năm gần đây.
Đồng thời theo Bloomberg, các thương hiệu ôtô nước ngoài thuộc phân khúc cao cấp thường có kết quả kinh doanh tại thị trường Trung Quốc được đánh giá là khả quan hơn so với nhóm ôtô phổ thông.
Xe điện là nguyên nhân
Sự gia tăng về nhu cầu xe điện được Bloomberg nhìn nhận là yếu tố quan trọng nhất khiến trật tự thị trường ôtô tại Trung Quốc có những chuyển biến đáng kể.
Bloomberg cho rằng nguyên nhân đến từ việc các kế hoạch sản phẩm do một thương hiệu ôtô lập ra thường mang tầm nhìn nhiều hơn một năm. Do đó, nhiều hãng sản xuất ôtô truyền thống nước ngoài đã đưa ra những đánh giá sai lầm về tốc độ phát triển của mảng xe điện tại thị trường Trung Quốc.
Dữ liệu bán hàng cho thấy những thương hiệu ôtô truyền thống của nước ngoài chỉ đang nắm giữ khoảng 8% thị phần xe thuần điện và xe lai điện tại Trung Quốc trong quý IV/2022. Nhiều sản phẩm của các tên tuổi này không thể cạnh tranh nổi với ôtô điện địa phương về giá cả, phạm vi hoạt động cũng như tính năng.
Thị phần mà những nhà sản xuất ôtô truyền thống nước ngoài đang nắm giữ trên thị trường EV Trung Quốc ngày càng suy giảm trước sức ép từ BYD hay Tesla, trong khi các công ty startup EV của địa phương lại liên tục tung ra nhiều mẫu xe điện.
Quá trình điện hóa của thị trường ôtô Trung Quốc đã diễn ra mạnh mẽ nhất tại phân khúc cao cấp và nhóm ôtô bình dân. Do vậy, Bloomberg đánh giá giai đoạn tăng trưởng tiếp theo nhiều khả năng sẽ nhen nhóm từ phân khúc ôtô trung cấp tại Trung Quốc, nơi tỷ lệ EV nhìn chung đang ở mức tương đối thấp.
Điều này vô hình trung có thể gây thêm những tổn thất về mặt thị phần tại Trung Quốc cho nhóm các nhà sản xuất ôtô truyền thống, trừ khi họ có thể nhanh chóng điều chỉnh hướng tiếp cận trong mảng xe điện.
Đáng chú ý, những dữ liệu bán hàng trong giai đoạn đầu năm nay cho thấy xu hướng này có thể đã bắt đầu.
Doanh số chung của nhóm ôtô Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc đã giảm 39% trong 2 tháng đầu năm, còn ôtô thương hiệu Đức cũng đánh mất khoảng 21% doanh số.
Ở chiều hướng ngược lại, BYD ghi nhận sức tiêu thụ 300.000 xe ở cùng kỳ, tương đương mức tăng trưởng hơn 70%.
Vào tuần trước, ông Wang Chuanfu – người sáng lập BYD – khẳng định mục tiêu của công ty là trở thành nhà sản xuất ôtô bán chạy nhất Trung Quốc vào cuối năm nay.
Thay đổi hoặc chấp nhận đào thải
Theo Bloomberg, ôtô Trung Quốc nắm giữ lợi thế lớn trên sân nhà nhờ vào các dịch vụ kết nối và phần mềm sử dụng trong xe nội địa, vốn tỏ ra ưu việt hơn hẳn so với tính năng trên các ôtô thương hiệu nước ngoài.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng có xu hướng thích nghi và áp dụng các công nghệ mới nhanh hơn so với nhóm khách hàng phương Tây. Trên thực tế, độ tuổi trung bình mua ôtô tại Trung Quốc thường thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu.
Ngoài ra, việc Trung Quốc yêu cầu các thương hiệu quốc tế phải liên kết với đối tác địa phương để đủ điều kiện sản xuất xe trên lãnh thổ nước này đã trở thành cơ sở để tăng tốc chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất cho những tên tuổi nội địa. Kết hợp với xu hướng điện hóa, các nhà sản xuất ôtô nội địa Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và vượt lên.
Bloomberg cho rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đã phần nào tạo ra những ảnh hưởng quan trọng lên các nhà sản xuất ôtô toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Trên thực tế, phần lớn mức tăng trưởng doanh số của nhiều hãng ôtô trong 20 năm qua xuất phát từ tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Tình thế hiện tại đang buộc các nhà sản xuất ôtô truyền thống phải tiến hành điện hóa mạnh mẽ nếu không muốn tiếp tục mất đi thị phần tại Trung Quốc, chuyên trang Bloomberg kết luận.