Còn nhiều hạn chế, bất cập trong triển khai
Vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại phiên toàn thể với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh” và 2 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, IEC Consulting và Liên minh hợp tác công – tư Phát triển đô thị thông minh đã phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, thực tiễn về chuyển đổi số đô thị hiện nay cho thấy, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị. Ngoài ra, còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh...
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực thế triển khai đô thị thông minh, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương đã thay đổi phương thức kết nối giữa người dân và chính quyền, từ đa điểm tập chung về 1 điểm; thay đổi cách thức tiếp cận thông tin từ văn bản giấy sang sử dụng dữ liệu số; ứng dụng quy trình xử lý số; thay đổi phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan; phát huy quyền làm chủ, giám sát của người dân; sử dụng công nghệ phù hợp với thực tiễn.... Đặc biệt, tất cả các phương pháp trên đều được áp dụng, tích hợp thống nhất trong tỉnh. Theo đánh giá bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định và là cơ sở cho hoạch định phát triển đô thị thông minh của tỉnh trong thời gian tới.
Tuy vậy, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như: mới bước đầu tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ đô thị thông minh, trong khi các nội dung về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý xây dựng đô thị thông minh chưa thực sự được chú trọng; còn ít các dự án đô thị thông minh có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các đô thị thông minh còn hạn chế; tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản.
Cùng chung nhận định này, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phân tích, Việt Nam thiếu cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ, cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân; nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị chưa nhiều; các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh chưa nhiều, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.
Tháo gỡ vướng mắc để tăng tốc phát triển
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trong tíến trình chuyển đổi số phát triển đô thị thông minh, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đối thoại, trao đổi kinh nghiệm vì xây dựng và phát triển đô thị thông minh luôn cần có những sự trao đổi sâu sắc, đa chiều.
Cùng với đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, sổ tay hướng dẫn liên quan các khía cạnh về đô thị thông minh; hệ thống theo dõi, đánh giá đô thị thông minh; sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án Phát triển đô thị thông minh Việt Nam; cụ thể hóa các chỉ tiêu và hành động ưu tiên…
Để xây dựng được đô thị thông minh thì hệ thống giao thông thông minh giúp giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội cũng cần được quan tâm.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho rằng, cần tập trung các giải pháp như triển khai các hệ thống ứng dụng tự động về thu phí, kiểm soát tải trọng, kiểm soát khí thải; hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung và tăng cường giao thông công cộng; nâng cấp các trung tâm quản lý điều hành giao thông hiện nay.
Đồng thời, nâng cấp hệ thống dữ liệu thông tin giao thông, điều khiển giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm giao thông (thời gian thực). Trong đó trước hết cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thiết kế, điều khiển tín hiệu giao thông tại các nút giao. Tăng cường các loại nút giao thông thông minh có chu kỳ điều khiển thay đổi phù hợp với lưu lượng, hoặc tổ chức điều khiển đèn tín hiệu liên thông trên một trục đường, tiến tới là toàn mạng lưới, ông Phạm Hoài Chung nói.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, một số ý kiến đề xuất cần xem xét cơ chế chính sách chia sẻ, sử dụng các hạ tầng như điện, chiếu sáng để phát triển hạ tầng kết nối (4G/5G/IoT) cho các trạm siêu nhỏ bảo đảm vùng phủ sóng cho các công nghệ kết nối khác nhau. Quy hoạch nền tảng internet vạn vật (IoT) chung cho các ứng dụng tiện ích công như (điện, nước, bãi đỗ xe, giám sát không khí môi trường) đây là nền tảng để thu thập dữ liệu và điều khiển thiết bị. Quy hoạch chuẩn hóa về tiêu chuẩn kết nối, giao thức tạo ra hệ sinh thái các dịch vụ, nhà cung cấp giải pháp phong phú sẵn sàng cho đô thị thông minh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển các công trình phúc lợi như công viên, quảng trường.
Đồng thời, phát triển đô thị cần gắn với quản lý, phát triển thị trường bất động sản, phải bảo đảm ổn định và bền vững; chú trọng phát triển một số loại hình kinh tế đô thị mới gắn với phát triển du lịch, như kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với lợi thế đặc trưng của từng địa phương; cần có các giải pháp căn cơ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thực hiện tốt cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành đô thị; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số.