Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/2, lạm phát tại Mỹ tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0,5% so với tháng trước đó và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng lần lượt là 0,4% và 6,2%. CPI lõi - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và 5,6% so với tháng 1/2022, cao hơn ước tính 0,1 điểm phần trăm.
Trong tháng 12 năm ngoái, CPI của Mỹ tăng 0,1%. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chi phí nhà ở chiếm khoảng một nửa mức tăng tháng 1.
Lạm phát vẫn nóng
Nhóm hàng hóa năng lượng cũng đóng góp đáng kể, tăng 2% so với tháng trước đó và 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn mức tăng của giá thực phẩm lần lượt là 0,5% và 10,1%.
Giá cả tăng cao đồng nghĩa với việc thu nhập thực tế của người lao động giảm đi. Thu nhập trung bình theo giờ của mỗi người Mỹ đã giảm 0,2% so với tháng trước đó và 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Fed sẽ không đưa ra quyết định dựa trên một báo cáo. Nhưng rõ ràng rủi ro đang gia tăng. Và lạm phát hạ nhiệt không đủ nhanh như mong muốn của Fed
Ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial
Lạm phát đã hạ nhiệt trong những tháng qua, nhưng dữ liệu của tháng 1 cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cơ quan này đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 8 lần kể từ tháng 3/2022. Năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12, trước khi giảm tốc độ nâng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tiên của năm nay.
"Lạm phát đang hạ nhiệt nhưng con đường đó sẽ không suôn sẻ", CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial - bình luận.
"Fed sẽ không đưa ra quyết định dựa trên một báo cáo. Nhưng rõ ràng rủi ro đang gia tăng. Và lạm phát hạ nhiệt không đủ nhanh như mong muốn của Fed", ông nói thêm.
"Dữ liệu lạm phát cơ bản cho thấy Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%", bà Maria Vassalou - đồng Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Asset Management - nhận định.
Bà cho rằng nếu doanh số bán lẻ (được công bố vào ngày 15/2) cho thấy sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng vẫn lớn, Fed có thể tăng lãi suất lên 5,5% ở cuối chu kỳ nhằm kìm hãm lạm phát.
Động thái tiếp theo của Fed
Trong bài phát biểu hôm 7/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng ông thừa nhận đó sẽ là một quá trình dài hơi.
Vị chủ tịch cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng mạnh hơn dự đoán của thị trường.
"Thực tế là chúng tôi sẽ hành động dựa trên các dữ liệu. Nếu chúng tôi tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá", chủ tịch Fed chia sẻ.
Lãi suất tăng cao sẽ đè nặng lên thị trường chứng khoán Mỹ và các tài sản rủi ro khác. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 156,66 điểm, tương đương 0,46%, còn 34.089,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,16 điểm; chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ nhích nhẹ 0,57%.
Trong khi đó, giá vàng vẫn trượt dài. Mỗi ounce vàng hiện được giao dịch dưới ngưỡng 1.835 USD, đánh dấu mức thấp nhất hơn một tháng.