Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 16/2, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 1 đã tăng 0,7% so với tháng 12/2022 và 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022. Trước đó, các nhà kinh tế được Refinitiv khảo sát dự đoán PPI tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước đó và 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu cho thấy PPI tháng 1 tăng cao hơn dự kiến do giá năng lượng đi lên. Đây cũng là một trong những thước đo lạm phát được theo dõi sát sao.
Cùng với các báo cáo trước đó về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thị trường việc làm và niềm tin của người tiêu dùng, báo cáo PPI cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Báo cáo PPI tháng 1 là một bước lùi trong cuộc chiến chống lạm phát
Chuyên gia kinh tế cấp cao Kurt Rankin của PNC
"Có thêm một báo cáo cho thấy điều ngược lại với những gì Fed đang kỳ vọng, dù đó là báo cáo CPI hay việc làm. Dường như các dữ liệu đã được củng cố vào đầu năm", CNN dẫn lời ông Michael Pugliese - nhà kinh tế cấp cao của Wells Fargo - bình luận.
"Báo cáo PPI tháng 1 là một bước lùi trong cuộc chiến chống lạm phát. Việc PPI tăng chuyển thành CPI tăng sẽ có độ trễ. Bởi các nhà sản xuất chuyển chi phí của họ - về cả nguyên liệu thô lẫn chi phí vận chuyển - cho người tiêu dùng", chuyên gia kinh tế cấp cao Kurt Rankin của PNC nhận định.
Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm thông qua việc nâng lãi suất. Nhưng các dữ liệu mới nhất cho thấy cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn dài hơi.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ cũng tăng mạnh trong tháng 1. Người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay cho xe cộ, đồ nội thất, quần áo và ăn hàng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết gia tăng trong chi tiêu của tháng 1 năm nay là mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Trước đó, theo CNBC, bà Maria Vassalou - đồng Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Asset Management - cảnh báo nếu doanh số bán lẻ cho thấy sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng vẫn lớn, Fed có thể tăng lãi suất lên 5,5% ở cuối chu kỳ nhằm kìm hãm lạm phát.
Còn theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/2, lạm phát tại Mỹ tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0,5% so với tháng trước đó và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng lần lượt là 0,4% và 6,2%. CPI lõi - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và 5,6% so với tháng 1/2022, cao hơn ước tính 0,1 điểm phần trăm.
Trong khi đó, báo cáo việc làm tháng 1 cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Mức tăng lương ổn định là tín hiệu tốt đối với chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 8 lần kể từ tháng 3/2022. Năm ngoái, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12, trước khi giảm tốc độ nâng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tiên của năm nay.
Lãi suất điều hành của Mỹ hiện ở mức 4,5-4,75%, cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Sau cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay, đa số nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm một lần nữa, trước khi ngừng nâng lãi suất rồi bắt đầu cắt giảm vào cuối năm. Nhưng các dữ liệu mới nhất cho thấy rủi ro lạm phát vẫn còn lớn và ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải làm việc nhiều hơn.
Lãi suất tăng cao sẽ đè nặng lên thị trường chứng khoán Mỹ và các tài sản rủi ro khác. So với mức cao nhất 9 tháng được thiết lập hồi đầu tháng, giá của mỗi ounce vàng đã bốc hơi gần 130 USD.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 432,2 điểm (-1,26%). Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm lần lượt 57,19 điểm (-1,38%) và 214,16 điểm (-1,78%).