Kỳ 1: EU - Một chuẩn sạc chung cho mọi xe điện
Nội dung chính:
- Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đi đầu thế giới trong việc phát triển thị trường xe điện. Tuy nhiên, đến năm 2021, 42% người dân thành thị sở hữu xe điện ở châu Âu vẫn không thể sạc xe tại nhà.
- Để đáp ứng nhu cầu trạm sạc công cộng, bên cạnh việc thống nhất tiêu chuẩn cổng sạc, EU còn yêu cầu các nhà khai thác trạm sạc công cộng đơn giản hóa việc kết nối với hệ thống sạc để tài xế chỉ cần “cắm là sạc” được.
- EU đang bàn thảo để tiến đến bắt buộc các trạm sạc phải cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng/ ghi nợ.
Liên minh châu Âu là khu vực tiên phong trên thế giới trong việc đề ra các chính sách mở đường cho quá trình điện khí hóa phương tiện giao thông. Theo tổ chức nghiên cứu McKinsey, các nước thành viên EU chiếm đến 20% lượng xe điện mới bán ra trong năm 2021.
Dù vậy, để xe điện trở thành lựa chọn phổ biến cho mọi người dân, việc hạ giá thành xe là chưa đủ. Đối với những người ở nhà biệt lập có gara để xe, việc lắp đặt hệ thống sạc khá đơn giản.
Trái lại, những người ở nhà chung cư hay đậu xe ngoài đường phải phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống sạc công cộng. Tính đến năm 2021, 42% người dân thành thị sở hữu xe điện ở châu Âu không thể tiếp cận điểm sạc tại nhà, theo McKinsey.
Trạm sạc công cộng là dành cho mọi người
Để thị trường xe điện đi lên, EU đề ra nhiều biện pháp để phát triển hệ thống trạm sạc công cộng. Năm 2014, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành “Chỉ thị về Nhiên liệu Thay thế”, tạo tiền đề cho việc tiếp cận điểm sạc một cách dễ dàng cho mọi người.
Chỉ thị nhắc lại nhiều lần yêu cầu xây dựng mạng lưới trạm sạc công cộng “không phân biệt” (non-discriminatory). Quy định này trái ngược với mong muốn của một số hãng xe hoặc chủ đầu tư và khai thác trạm sạc là chỉ dành quyền tiếp cận hạ tầng cho riêng khách hàng mua xe của mình.
Để hạn chế độc quyền trong việc sử dụng trạm sạc, EU yêu cầu tất cả trạm sạc lắp đặt hoặc nâng cấp sau thời hạn luật có hiệu lực phải dùng chung tiêu chuẩn cổng sạc Type 2/ CCS2.
Bên cạnh đó, EU yêu cầu các nhà cung cấp trạm sạc công cộng cho phép tất cả mọi người sử dụng mà không phải đăng ký trước hay truy cập/ thanh toán qua một hình thức duy nhất. Việc bắt buộc phải tải về một ứng dụng duy nhất trên điện thoại di động mới có thể kết nối với trạm sạc cản trở đầu tư hạ tầng hiệu quả. Lý tưởng nhất là mọi người chỉ cần dùng thẻ tín dụng/ ghi nợ là sạc và thanh toán.
“Định hướng của chúng tôi rất rõ ràng: sạc điện dễ dàng như đổ xăng”, bà Anna Deparnay-Grunenberg, thành viên Nghị viện châu Âu cho biết. “Chúng ta cần một hệ thống thanh toán đơn giản và thân thiện với người dùng để mọi người có thể sạc và trả tiền cho ô tô điện ở ngay ngã tư trước mặt.”
Yêu cầu hạn chế độc quyền cũng bao gồm quy định về tiếp cận thông tin. Nhà cung cấp trạm sạc phải công khai địa điểm trạm sạc, để mọi người chứ không chỉ khách hàng đã đăng ký của họ mới dễ dàng tìm được điểm sạc. Nhu cầu của mọi người lái xe điện phải được đặt lên trước nhất.
Chỉ thị của EU nhắc lại nhiều lần yêu cầu về việc xây dựng mạng lưới trạm sạc công cộng “không phân biệt” (non-discriminatory). Quy định này trái ngược với mong muốn của một số hãng xe hoặc chủ đầu tư và khai thác trạm sạc là dành quyền tiếp cận hạ tầng cho riêng khách hàng mua xe của mình.
Sẵn sàng đi lùi về công nghệ để nhiều người tiếp cận xe điện hơn
Hiện tại, mỗi nước thành viên EU có thể tự quyết định các phương thức thanh toán tại trạm sạc công cộng, không có quy định thống nhất nào trên toàn khu vực. Theo ông Ismail Ertug, Nghị viện đang đẩy mạnh việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, điều này cần thay đổi.
“Tôi ủng hộ việc thanh toán bằng thẻ và muốn thấy điều này được đưa vào luật ràng buộc đối với tất cả các trạm sạc, trên toàn châu Âu,” chính trị gia từ nhóm S&D trung tả nói thêm.
“Chỉ thị về Nhiên liệu Thay thế” 2014 của EU hiện đã khiến nhiều nhà cung cấp trạm sạc áp dụng đa dạng các phương thức thanh toán. Tuy nhiên, phương thức phổ biến nhất vẫn là qua ứng dụng điện thoại và mã QR, theo Jaap Burger, chuyên gia từ hãng nghiên cứu Regulatory Assistance Project.
“Hiện tại một vài nước EU đã đưa ra quy định bắt buộc trạm sạc cho phép thanh toán bằng thẻ ngân hàng/thẻ tín dụng, phương thức thân thiện hơn nhiều”, ông Burger nói về trường hợp của Đức và Đan Mạch.
Ông Robin Loos, đại diện cho các hiệp hội người tiêu dùng BEUC cho rằng việc triển khai thanh toán thẻ sẽ khiến “người tiêu dùng tự tin hơn khi chuyển sang xe điện”.
Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước khác lại chỉ muốn quy định phương thức thanh toán qua mã QR là yêu cầu tối thiểu. Nhiều nhà cung cấp trạm sạc cũng cho rằng quy định thanh toán thẻ sẽ chỉ cản trở họ đẩy mạnh tốc độ lắp đặt trạm.
Bà Tanya Sinclair, giám đốc chính sách tại ChargePoint, một nhà khai thác trạm sạc cho rằng việc quy định thanh toán thẻ “thực sự là bước đi lùi cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp xe điện”.
“Chúng tôi là những công ty đang mở rộng và mới khởi nghiệp quy mô nhỏ - trung bình. Chúng tôi không có nguồn vốn khổng lồ đến mức triển khai trạm sạc xe điện trên quy mô lớn rồi lại quay về chỉnh sửa hạ tầng hiện có”, bà Sinclair phản đối gay gắt.
“Chúng ta không thể mong đợi mọi người đều quen thuộc với Google hoặc Apple Pay, mã QR hoặc thanh toán bằng ứng dụng. Các mô hình đăng ký và nền tảng thanh toán đó có thể tiếp tục tồn tại – nhưng trạm sạc phải có khả năng thanh toán bằng thẻ dễ dàng,” ông Ismail Ertug kết luận.