Mới đây, CNBC đưa tin Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, tỷ phú sáng lập Ant Group - sẽ từ bỏ quyền kiểm soát tại gã khổng lồ công nghệ tài chính (fintech).
Quyết định đó được đưa ra sau 25 tháng ẩn dật của vị doanh nhân từng có sức ảnh hưởng nhất nhì Trung Quốc. Chỉ cách đây hơn 2 năm, nhà sáng lập Alibaba vẫn ở đỉnh cao. Các nhà đầu tư nước ngoài nóng lòng với đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) khổng lồ của Ant Group.
Trị giá 37 tỷ USD, đợt IPO của Ant Group đáng lẽ sẽ là thương vụ lớn nhất thế giới, nhưng bất ngờ bị hủy bỏ vào phút chót. Công ty sau đó buộc phải tái cấu trúc, còn ông Ma hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Theo nguồn tin của Financial Times, nhiều tháng qua, tỷ phú Jack Ma và gia đình sống tại khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô Tokyo.
2 năm sóng gió với Ant Group
Ông Ma từng sở hữu hơn 50% quyền biểu quyết tại Ant Group. Nhưng theo tính toán của Reuters, tỷ lệ này giảm còn 6,2% sau thay đổi. Trên thực tế, trước đây, ông Ma chỉ sở hữu 10% cổ phần tại công ty. Ông kiểm soát Ant Group thông qua các tổ chức liên quan.
Việc ông Ma từ bỏ quyền lực tại Ant Group diễn ra sau khi tập đoàn fintech này sắp hoàn thành quá trình tái cấu trúc kéo dài 2 năm. Tháng 11, Reuters đưa tin Bắc Kinh sẵn sàng phạt công ty hơn 1 tỷ USD.
Gã khổng lồ fintech của Jack Ma rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh sau bài phát biểu của ông Ma vào cuối tháng 10/2020.
Trong bài phát biểu dài 21 phút, ông chỉ trích các cơ quan quản lý "chỉ tập trung vào rủi ro mà bỏ qua sự phát triển". Tỷ phú Ma cáo buộc các ngân hàng lớn nuôi dưỡng "tâm lý tiệm cầm đồ" và làm tổn thương nhiều doanh nhân.
Ngay sau bài phát biểu, các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu Bắc Kinh triệu tập ông Ma. Nhưng cú sốc lớn đến vào ngày 3/11. Sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ đợt IPO của Ant Group với lý do "những thay đổi về quy định". Thông báo được đưa ra chỉ vỏn vẹn 2 ngày trước hôm dự kiến diễn ra IPO. Cùng với cổ phiếu Alibaba, tài sản của tỷ phú sáng lập bốc hơi nhanh chóng.
Đến tháng 1/2021, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục công bố một loạt quy định, buộc Ant Group phải tái tổ chức thành một công ty holding. Các dịch vụ ngân hàng Internet, bảo hiểm, quản lý tài sản và trung gian tài chính khác sẽ bị phân tách rõ ràng.
Theo kế hoạch, Ant cũng phải chuyển dữ liệu người dùng cho một liên doanh chấm điểm tín dụng do nhà nước góp vốn. Những dữ liệu người dùng này vốn được Ant sử dụng để làm cơ sở cho các quyết định cho vay.
Tháng 4/2022, Reuters đưa tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đang đóng vai trò chính trong cuộc điều tra về mối liên hệ giữa Ant Group và các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.
Mô hình núp bóng công nghệ
Trên Nikkei Asian Review, PGS Nan Li và John D. Van Fleet tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Quản lý Antai (thuộc Đại học Shanghai Jiao Tong) từng gọi Ant Group của Jack Ma là "kẻ lừa đảo trên thị trường tài chính", mô hình kinh doanh "lừa dối núp bóng công nghệ".
Theo PGS Nan Li và John D. Van Fleet, có 2 nguyên nhân quan trọng nhất. Đầu tiên là mô hình của Ant Group có thể tạo ra rủi ro hệ thống ở cấp độ toàn cầu. Thứ hai, ban lãnh đạo của Ant đã cố gắng trốn tránh sự giám sát của các quy định về lĩnh vực tài chính. Thậm chí, họ cố tình loại bỏ từ "tài chính" khỏi tên công ty ngay trước khi nộp đơn IPO.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã chứng minh rằng những mô hình không phù hợp với quy định sẽ tạo ra rủi ro đạo đức, xung đột lợi ích và một số vấn đề của cho vay lãi suất cao.
Với mô hình kinh doanh này, Ant sẽ chịu rất ít áp lực để kiểm soát rủi ro. Ngược lại, công ty lại có nhiều động lực tăng quy mô của các khoản vay, cho đến khi những cơ quan quản lý vào cuộc
PGS Nan Li và John D. Van Fleet
Trên thực tế, yếu tố chính giúp sự nghiệp kinh doanh của Ant phát triển là mô hình OTD. Theo đó, khoản vay mà Ant khuyến khích người tiêu dùng thực hiện có thể trở thành vay lãi suất cao nếu không được kiểm soát.
Sau đó, công ty chuyển những nghĩa vụ cho vay đó sang dạng chứng khoán bảo đảm bằng tài sản, rồi bán cho các quỹ tương hỗ và quỹ thị trường tiền tệ.
Ngoài chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản, Ant còn phân tán rủi ro tín dụng với các khoản cho vay vi mô. Những khoản vay này được thực hiện thông qua các thỏa thuận cho vay chung với những ngân hàng thương mại ở thành phố nhỏ hoặc nông thôn. Đó là một dạng khác của mô hình OTD.
Trong các thỏa thuận này, Ant cung cấp ít hơn 10% vốn, nhưng giữ lại hơn 50% lợi nhuận. Thêm vào đó, Ant có quyền quyết định khách hàng được vay hay không, cũng như những điều kiện và điều khoản của khoản vay.
"Với mô hình kinh doanh này, Ant sẽ chịu rất ít áp lực để kiểm soát rủi ro. Ngược lại, công ty lại có nhiều động lực tăng quy mô của các khoản vay, cho đến khi những cơ quan quản lý vào cuộc", PGS Nan Li và John D. Van Fleet lập luận.
Dọn đường để tái khởi động IPO?
Theo bản cáo bạch IPO, Ant sở hữu hơn 50% thị phần trong tổng khối lượng giao dịch thanh toán di động của Trung Quốc.
Tính đến tháng 6/2020, Ant có 1.700 tỷ nhân dân tệ cho vay tiêu dùng trên bảng cân đối kế toán, nhiều hơn dư nợ thẻ tín dụng của bất cứ ngân hàng nào tại Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, nếu cơ quan quản lý Bắc Kinh không vào cuộc, mô hình kinh doanh OTD của Ant không chỉ dụ dỗ người tiêu dùng Trung Quốc gánh khoản nợ khó chi trả, mà còn đè bẹp những ngân hàng thương mại vừa và nhỏ tại đất nước tỷ dân. Điều đó sẽ có tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính của Trung Quốc và lan rộng ra phần còn lại của thế giới.
Hơn nữa, dựa trên bản cáo bạch của Ant, chưa đến 10% doanh thu của công ty thực sự đến từ đổi mới công nghệ. Trong khi đó, hơn 90% số tiền Ant kiếm được nhờ vào các dịch vụ tài chính như thanh toán, phát hành khoản vay và dịch vụ quản lý tài sản.
Việc nâng cao hiệu quả nhờ công nghệ cũng chỉ đóng một phần nhỏ trong doanh thu kinh doanh của Ant. Tuy nhiên, công ty của ông Ma vẫn tự gắn mác "công ty công nghệ", nhờ đó luồn lách khỏi sự giám sát và đẩy định giá.
Trở lại hiện tại, một số chuyên gia tin rằng việc ông Ma từ bỏ quyền lực sẽ dọn đường cho Ant Group tái khởi động IPO. Nhưng ở chiều ngược lại, những thay đổi có thể cản trở thương vụ vì các quy định về niêm yết.
Thị trường cổ phiếu hạng A nội địa của Trung Quốc yêu cầu các công ty hoãn lên sàn 3 năm sau khi thay đổi quyền kiểm soát. Đối với sàn STAR thiên về công nghệ của Thượng Hải và thị trường Hong Kong, thời gian chờ lần lượt là 2 năm và một năm.