Theo Bloomberg trích dẫn một nguồn thạo tin, các quan chức Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nhận thấy không cần vội vàng chấm dứt lãi suất âm ngay trong tháng này. Vì họ thấy chưa có đủ bằng chứng rằng việc tăng lương sẽ khiến cho lạm phát dai dẳng.
Đó là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương có thể giữ nguyên các chính sách tiền tệ hiện tại sau cuộc họp kết thúc vào ngày 19/12. Trước đó, thị trường gần đây đồn đoán rằng lãi suất âm có thể bị loại bỏ ngay sau cuộc họp.
Sau tin tức trên, đồng Yên kéo dài đà giảm 1% trong phiên giao dịch cuối buổi chiều, về mức 146,46 Yên đổi 1 USD. Trước đó, đồng tiền này đã giảm khoảng 0,7%, khi thị trường tranh luận rằng đợt tăng của tuần trước đã đi quá xa.
Tuần trước, vào ngày 7/12, tỷ giá đồng Yên tăng lên mức 141 Yên đổi 1 USD sau đó kết phiên ở khoảng 144 Yên đổi 1 USD. Mức tăng này được thúc đẩy bởi phát biểu trước quốc hội của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda. Ông nói rằng việc kiểm soát chính sách sẽ có “nhiều thách thức hơn” trong những tuần tới và năm tới.
Đồng Yên giảm nhẹ xuống phạm vi 145 Yên đổi 1 USD vào ngày hôm sau, sau báo cáo dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ. Nhưng sau đó đồng tiền của Nhật Bản đã phục hồi về mức 144 JPY/USD.
Theo nguồn thạo tin, ngân hàng Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định chính sách cuối cùng sau khi xem xét tất cả dữ liệu có sẵn từ nay đến khi họp. Nhiều nhà quan sát tin rằng còn quá sớm để mong đợi BOJ chuyển sang bình thường hoá chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào ngày 18-19/12. Đầu ngày thứ Hai, các thị trường dự đoán 8% khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 và 46% khả năng BOJ tăng lãi suất vào cuối tháng 1.
Ngày càng nhiều người đồng tình rằng đồng Yên đã bị mắc kẹt cả năm trời quanh quẩn ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Vào giữa tháng 11, đồng Yên đã giảm xuống mức 151,92 Yên đổi 1 USD, thấp chưa từng thấy kể từ năm 1990.
Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo là nguyên nhân khiến đồng Yên yếu đi. BOJ được cho là ngân hàng trung ương duy nhất giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm. Ngay cả khi tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản gần bằng tỷ lệ lạm phát của các quốc gia khác, BOJ vẫn không thay đổi chính sách cũ. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã gấp rút thắt chặt chính sách.
Nhật Bản đã thực hiện tăng lương đáng kể trong năm nay để đối phó với lạm phát dai dẳng. Nhưng tiền lương còn tiếp tục tăng hay không là điều không chắc chắn. Vì trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản ít trải qua lạm phát và tăng trưởng tiền lương, sau lần vỡ bong bóng bất động sản vào đầu thập niên 1990. Nỗi lo lắng đã khiến BOJ không thể lập kế hoạch thoát khỏi lãi suất âm, từ đó khiến đồng Yên ngày một suy yếu và lạm phát gia tăng.
Nhưng các quan chức BOJ hiện đang phát đi những tín hiệu lạc quan hơn rằng nền kinh tế có thể chịu được lãi suất cao hơn. Phó Thống đốc Ryozo Himino cho biết, vòng lặp tích cực về lương tăng và giá cả tăng đang "dần diễn ra".
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn một số điểm yếu về cơ cấu kinh tế.
Tỷ giá hối đoái thực của đồng Yên so với rổ tiền tệ khác vẫn ở mức yếu nhất kể từ khi Nhật Bản áp dụng tỷ giá hối đoái thả nổi vào năm 1973. Vào tháng 10, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã đặt tỷ giá hối đoái hiệu quả của đồng Yên ở mức thấp nhất kể từ năm 1968.
Một số nhà giao dịch trên thị trường tin rằng tỷ giá sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu về đồng Yên khó có thể tăng lên thông qua thương mại. Nhiều năm gia công bên ngoài đã khoét rỗng các ngành công nghiệp dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản. Ngoài ra, quốc gia này còn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu.
Các tập đoàn lớn trên toàn cầu được hưởng lợi lớn từ đồng Yên yếu. Yên giảm giúp tăng cổ tức từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng những nguồn lợi này không ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế Nhật Bản thông qua việc tăng lương hoặc đầu tư vốn.
Việc tăng cường lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản, thúc đẩy các nguồn năng lượng trong nước và đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, khử carbon cũng được coi là vấn đề rất quan trọng để vực dậy nền kinh tế.
Theo Nikkei Asia