Tại Hội nghị Nhà cung cấp năm 2023 diễn ra sáng 30/3 của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), ông Nguyễn Anh Đức cho biết mục tiêu đến năm 2025, đơn vị này sẽ đạt 1.000 điểm bán, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng nhằm tạo trải nghiệm xuyên suốt trong toàn hệ thống.
Riêng trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh số tăng 4% so với cùng kỳ, phát triển 50-60 điểm bán mới. Đặc biệt, bán hàng trên thương mại điện tử được kỳ vọng tăng 50% so với cùng kỳ.
Vị tổng giám đốc đồng thời nhấn mạnh Saigon Co.op sẽ dành một khoản ngân sách để cải tạo không gian mua sắm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho biết sẽ mở rộng hoạt động các kho bãi nhằm xác định rõ hơn các khâu giao nhận từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng, nhất là mặt hàng tươi sống.
Hiện doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai kế hoạch này và trong quý I/2024, kho Lê Minh Xuân dự kiến hoạt động. Sau đó, Saigon Co.op sẽ thành lập công ty logistics độc lập.
Năm 2022, đơn vị này dẫn đầu thị phần bán lẻ, chiếm 35,8% thị phần bán lẻ hiện đại khối nội, với doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, đón tiếp 1.000.000 lượt khách tham quan và mua sắm mỗi ngày.
Đồng thời, Saigon Co.op đã khai trương thêm 34 điểm bán mới thuộc Co.op Food và Cheers. Doanh số bán hàng trực tuyến đạt tỷ trọng 4,4%, cao hơn kế hoạch đề ra là 3,5%. Các hoạt động hỗ trợ cho hàng Việt trong khuôn khổ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Saigon Co.op triển khai liên tục.
Hiện nay, thị trường bán lẻ thực phẩm vẫn được xem là đại dương xanh khi có quy mô rất lớn nhưng chủ yếu vẫn nằm ở các chợ truyền thống, cửa hàng hiện đại cũng đang phân mảnh bởi chưa có nhiều đơn vị có vị thế chi phối thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 1,505 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,4%.
Theo công bố của Masan, biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng của WinCommerce đã đạt 6,5%. Đặc biệt, 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động, trong khi tỷ lệ này năm 2021 là 45%.
Dự kiến năm 2023, WinCommerce sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000-40.500 tỷ đồng, tăng 23-38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở 800-1.200 cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
Trong khi đó, hệ thống Bách Hóa Xanh liên tục thua lỗ giai đoạn 2016-2022. Năm ngoái, chuỗi bán lẻ này mang về doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng, giảm 4% so với năm liền trước. Chuỗi có 1.728 cửa hàng hoạt động cuối năm 2022.
Sau giai đoạn tái cấu trúc, hệ thống bán lẻ thực phẩm này đang có một số chuyển biến khả quan khi lợi nhuận trực tiếp (EBIT) tại cửa hàng đã chuyển từ âm sang dương 2%-3%. Bách Hóa Xanh đặt mục tiêu hòa vốn toàn chuỗi vào cuối năm nay.