Ngày 9/12, Ran Neuner, người dẫn chương trình của CNBC đề xuất "hồi sinh" dự án FTT và sàn giao dịch FTX. Theo Neuer, dự án nên phân phối lượng token FTT 2.0 cho những chủ nợ và những người dùng bị mất tiền vì FTX phá sản.
Sam Bankman-Fried bày tỏ sự ủng hộ về đề xuất của Neuner trong một bình luận trên Twitter. Ngay sau đó, giá đồng FTT bật tăng từ mốc 1,33 USD lên 2 USD, tương đương mức tăng hơn 50%.
Griffin Ardern, nhà giao dịch từ Blofin cho biết đề xuất của Neuner tương tự mô hình tái cơ cấu nợ. “Sự ủng hộ của Sam cho đề xuất trên dường như đã vực dậy được niềm tin của nhà đầu tư bị mất tiền vì FTX”, Griffin Ardern bình luận.
Tuy vậy, Markus Thielen, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Matrixport cho rằng đề xuất “đập đi xây lại” FTX như một chiến lược lừa đảo thứ 2. Thielen so sánh việc phát hành token FTT 2.0 với lịch sử của BTC-e, sàn giao dịch tiền mã hóa của Nga đã đóng cửa vào năm 2017.
Sàn BTC-e đã được “hồi sinh” và đổi tên thành WEX. Tuy nhiên, WEX cũng bị đóng cửa sau một năm hoạt động cùng cáo buộc đánh cắp 450 triệu USD của nhà đầu tư.
“FTX như ‘cái gai trong mắt’ nhà đầu tư. Khi người dùng nhận ra mình bị lừa bởi một dự án hay giao thức nào đó, họ sẽ chuyển sang dùng nền tảng khác”, Thielen cho biết.
Theo WSJ, sau khi nộp đơn xin phá sản, Sam Bankman-Fried nghĩ rằng mình có thể huy động đủ tiền để trả lại người dùng đã mất tài sản vì FTX. Ông cùng vài cộng sự đã dành cả cuối tuần đầu tiên sau phá sản để họp trực tuyến nhằm kêu gọi vốn.
WSJ cho biết Sam Bankman-Fried đã cố gắng đàm phán với các sàn giao dịch đối thủ như Coinbase, Kraken, các quỹ đầu tư và đầu cơ để huy động hơn 8 tỷ USD. Binance, sàn giao dịch lớn nhất thế giới cũng hủy thương vụ mua lại FTX vì các cáo buộc.
Đến nay, Sam Bankman-Fried vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản cứu trợ nào. WSJ không thể xác định FTX sẽ đổi gì để được nhận tiền từ nhà đầu tư. Ngày 11/11, FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Sam Bankman-Fried cũng từ chức Giám đốc điều hành của công ty. Đến nay, ông vẫn còn là cổ đông lớn nhất của sàn.