Trong email gửi Zing, Cục An ninh Hong Kong xác nhận tính từ đầu năm 2022 đến ngày 1/9, cơ quan thực thi pháp luật LEA (bao gồm Cục quản lý xuất nhập cảnh ImmD và Cảnh sát Hong Kong HKPF) đã tiếp nhận tổng cộng 43 yêu cầu hỗ trợ liên quan tới loại hình lừa đảo việc làm tại một số quốc gia Đông Nam Á.
Cơ quan này xác nhận 31/43 trường hợp đã an toàn, trong đó 24 người đã trở về Hong Kong. Trong 12 người còn lại, có 3 người đang ở Myanmar và 9 người ở Campuchia. Các nạn nhân đều bị hạn chế hoạt động cá nhân.
Từ đầu năm nay, báo chí các nước trong khu vực phản ánh rất nhiều thông tin về các trường hợp bị băng đảng bắt cóc và cưỡng ép lao động. Tại Hong Kong, South China Morning Post nêu lên trường hợp một sinh viên mới tốt nghiệp ở nước ngoài sập bẫy lừa đảo sau khi gửi hơn 100 đơn xin việc.
Người này nhìn thấy lời quảng cáo trên mạng xã hội về công việc tại sòng bạc ở Campuchia, với mức lương lên tới 25.000 USD /tháng.
Ngay khi gửi số điện thoại, anh đã nhận được tin nhắn trên Whatsapp từ “nhà tuyển dụng”. Hai ngày sau, anh chấp nhận lời đề nghị và “công ty tuyển dụng” đã gửi cho anh vé máy bay cùng thông tin khách sạn cách ly.
Anh rời Hong Kong đến Campuchia vào ngày 11/1. Sau khi cách ly trong khách sạn 2 tuần, một người tự xưng là nhân viên sòng bạc đến đón anh.
Người đàn ông trong độ tuổi 20 được chở đến một địa điểm không xác định. Chiếc xe dừng lại bên ngoài một tòa nhà cao tầng, “nhưng trông không hề giống sòng bạc”.
Anh được yêu cầu giao hộ chiếu để nộp hồ sơ xin thị thực. Ngày hôm sau, anh phát hiện mình đã rơi vào bẫy lừa đảo khi bị yêu cầu đóng giả phụ nữ và làm theo kịch bản để thuyết phục đàn ông đặt cược trên trang web cờ bạc, hoặc dụ họ đầu tư.
Sau khi từ chối, anh bị yêu cầu phải trả 10.000 USD tiền chuộc. Anh bị giam giữ trong một căn phòng và có người canh gác bên ngoài. Sau khi tìm cách gọi điện thoại cho mẹ, khoảng một tuần sau, cảnh sát Campuchia đã giải cứu người này và đưa về Hong Kong.
Vỡ mộng “công việc trong mơ”
Tương tự câu chuyện của người đàn ông trên, bi kịch thường bắt đầu bằng những lời quảng cáo về “công việc trong mơ” trên mạng xã hội, khi “công ty tuyển dụng” hứa hẹn về một mức lương cao nhưng ít yêu cầu về trình độ học vấn hoặc kinh nghiệm.
Nếu đồng ý, nạn nhân được gửi vé máy bay, thường là vé máy bay điện tử. Nhưng ngay khi đặt chân đến sân bay, họ bị thu hộ chiếu và đưa tới các trung tâm lừa đảo.
Trên South China Morning Post, ông Tony Ho Chun-tung - sĩ quan cấp cao tại Cục Tội phạm có tổ chức và các vấn đề Hội Tam Hoàng thuộc HKPF, cho biết để được trả tự do, nạn nhân phải tham gia các chiêu thức lừa đảo chính đồng hương mình qua điện thoại, hoặc liên hệ với gia đình đòi tiền chuộc. Nếu từ chối hoặc không đạt “KPI”, nạn nhân sẽ bị “đối xử vô nhân đạo”.
Một thành viên của Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ cho biết một số người Hong Kong nói họ bị chích điện và tấn công tình dục trong lúc bị giam giữ.
“Vài người bị đánh hoặc dìm vào bồn nước lạnh, trong khi có gia đình nhận yêu cầu trả tiền chuộc, nếu không phía lừa đảo sẽ mổ nội tạng người thân của họ và bán lấy tiền”, người này nói.
Nguồn tin cảnh sát Hong Kong cho hay nạn nhân thường là những người thất nghiệp và tin vào những “cơ hội trong mơ”. Một số người có ấn tượng tốt với những quốc gia là điểm đến du lịch.
Các báo cáo truyền thông cho biết một số nạn nhân nhận lời đề nghị 15% hoa hồng nếu lừa đảo được 146.668 USD (1 triệu NDT). Họ sẽ được thả sau khi kiếm được cho các tổ chức lừa đảo này hơn 720.000 USD, hoặc trả khoản tiền chuộc khoảng 38.000 USD.
Theo South China Morning Post, tính tới ngày 29/8, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 7 người liên quan tới các vụ lừa đảo. 3 người trong số đó bị buộc tội âm mưu lừa đảo.
Phản ứng từ Cục An ninh Hong Kong
Trả lời Zing qua email, Cục An ninh Hong Kong cho biết cơ quan này đang theo dõi sát sao vụ việc người dân bị lừa đến các nước Đông Nam Á, bị giam giữ và ép buộc lao động bất hợp pháp.
Cục An ninh Hong Kong đã thành lập một lực lượng chuyên trách bao gồm ImmD và HKPF. Lực lượng đặc nhiệm này sẽ tích cực theo dõi các yêu cầu hỗ trợ và duy trì liên hệ chặt chẽ với gia đình những người có liên quan.
Ngoài ra, Văn phòng Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong, Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại các nước khác và INTERPOL cũng hỗ trợ theo dõi các trường hợp.
Theo phát ngôn viên Cục An ninh Hong Kong, lực lượng đặc nhiệm sẽ hỗ trợ đảm bảo các nạn nhân trở về thành phố an toàn, bao gồm cả việc sắp xếp cách ly ở đặc khu.
Bên cạnh đó, trước những diễn biến gần đây, Cục An ninh Hong Kong cũng đưa ra các cảnh báo về lừa đảo việc làm ở nước ngoài trong phần "Thông tin Du lịch khác" trên trang web Cảnh báo Du lịch Nước ngoài.
HKPF và ImmD cũng phát tờ rơi tại quầy lên máy bay của những chuyến bay đi đến các quốc gia Đông Nam Á có liên quan và treo biểu ngữ/áp phích tại sảnh khởi hành của sân bay để nhắc nhở du khách cảnh giác với các trò lừa đảo việc làm và chú ý an toàn khi đi lại.
“Các thông điệp liên quan cũng được phổ biến qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm Trạm ứng dụng di động HKSAR Passport, phương tiện truyền thông xã hội, chương trình TV/radio, tạp chí và màn hình hiển thị lớn ngoài trời,...”, người này cho hay.
Cục An ninh Hong Kong kêu gọi cư dân hoặc các thành viên gia đình lo ngại về việc người thân mất tích liên hệ với ImmD càng sớm càng tốt.
Phía cơ quan chức năng Hong Kong đã thiết lập đường dây nóng qua WhatsApp và cả đường dây nóng 24h của Đơn vị Hỗ trợ Cư dân Hong Kong thuộc ImmD. Ngoài ra, phát ngôn viên cho biết cư dân có thể gửi biểu mẫu yêu cầu hỗ trợ trực tuyến.
Phát ngôn viên cho biết cơ quan này đã ban hành “Hướng dẫn sửa đổi về hợp tác giữa các bộ phận để xử lý trường hợp nghi vấn buôn bán người” vào tháng 3/2019, trong đó đưa ra các nguyên tắc và thủ tục chung về hợp tác giữa các bộ phận trong việc xác định và xử lý các vụ buôn người tiềm ẩn (TIP).
“Tất cả người dễ bị tổn thương bao gồm người bán dâm, người nhập cư bất hợp pháp, lao động bất hợp pháp, người giúp việc cho gia đình nước ngoài, lao động nhập khẩu,... cũng như các trường hợp khác sẽ được sàng lọc theo cơ chế sàng lọc nạn nhân buôn người hiện hành”, người này cho hay.
Đề cập tới việc xử lý các trường hợp lừa đảo, phát ngôn viên của Cục An ninh Hong Kong cho biết khung pháp lý hiện tại của đặc khu có hơn 50 quy định chống lại các hành vi buôn người khác nhau, bao gồm các tội danh như gian lận, lạm dụng thể chất, giam giữ, đe dọa.
“Một số tội có hình phạt lên đến tù chung thân. Khung pháp lý này cung cấp một chuỗi biện pháp bảo vệ toàn diện, tương đương với luật chống buôn người ở các khu vực pháp lý khác, và đã được áp dụng tốt ở Hong Kong”, người này cho hay.
Trao đổi với Zing, HKPF cho biết cơ quan này đang theo dõi sát sao các vụ việc gần đây liên quan tới những trường hợp cư dân Hong Kong nghi bị dụ tới các nước Đông Nam Á và bị giam giữ, ép buộc làm việc bất hợp pháp.
Cục Tội phạm có tổ chức và các vấn đề về Hội Tam Hoàng thuộc HKPF đã điều tra các vụ việc liên quan, đồng thời duy trì mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan thực thi ở những khu vực pháp lý khác, liên hệ với LEA ở nước ngoài, trao đổi thông tin tình báo và hỗ trợ điều tra thông qua INTERPOL.