Nhiều người dân đã chuẩn bị đồ lễ cho mâm cúng truyền thống. Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như Hàng Bè, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình), chợ Quan Hoa (quận Cầu Giấy)…, tiểu thương đã bày bán những mặt hàng cúng Tết ông Công ông Táo với mẫu mã đa dạng.
Đồ cúng lễ đa dạng, lượng khách ngày càng tăng
Theo khảo sát, giá các mặt hàng vàng mã năm nay không nhiều biến động so với mọi năm. Hiện bộ Táo quân có giá dao động 50.000 - 200.000 đồng/bộ tùy chất lượng, kích cỡ. Cụ thể, 120.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ nhỏ, 140.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ to; 190.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ đại, vàng tiền 10.000 - 25.000 đồng/đinh, vàng hoa giá từ 80.000 - 120.000 đồng/cây.
Việc cúng Tết ông Công, ông Táo là lễ cúng đặc trưng hầu hết gia đình tại Việt Nam, nó đánh dấu bước đầu mở màn cho dịp Tết Nguyên đán đang tới gần. Mặt khác, cũng vì gần Tết nên gia đình nào cũng bận rộn, chuẩn bị một mâm cúng đầy đủ chi tiết khá khó khăn nên tâm lý ai cũng sẽ tìm dịch vụ đặt trọn gói mâm vừa tiện lợi vừa nhanh chóng.
Anh Mạnh (chủ cửa chuyên kinh doanh đồ cúng lễ) cho biết: “Năm nay cửa hàng chúng tôi đạt số lượng đơn đặt hàng lên tới 200 đơn. Hiện chúng tôi phải thuê thêm nhân viên để chốt đơn online và đóng đơn, vận chuyển.”
Lý giải về nguyên nhân đơn hàng tăng đột biến, anh Mạnh cho rằng cửa hàng anh có nhiều khách quen lâu năm, khách hàng thấy giá thành hợp lý, mâm cúng lại chất lượng nên giới thiệu cho nhau.
Tại cửa hàng của anh Mạnh, giá mâm cúng Tết ông Công, ông Táo mặn dao động 500.000-1,6 triệu đồng/mâm, với đủ các món từ khai vị đến món chính, món tráng miệng và giấy cúng.
Hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách trong dịp này, giá hoa cũng tăng hơn so với năm trước một chút, vì năm nay thời tiết khắc nghiệt ít mưa nên hoa nở sớm. Các loại hoa tươi như hoa cúc, hoa hồng giá 7.000 đến 10.000 đồng/bông, hoa lay ơn giá 60.000 đến 100.000 đồng/chục, hoa ly 15.000 đồng/cành 3 tai… ; cành đào nhỏ khoảng từ 50.000 - 60.000 đồng/cành.
Các loại trái cây cũng khá phong phú về giá cả. Cụ thể, phật thủ có giá từ 30.000 - 500.000 đồng/quả tùy loại; thanh long ruột trắng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 40.000 - 65.000 đồng/kg; quýt Sài Gòn từ 35.000- 40.000 đồng/kg, vú sữa từ 45.000 - 65.000 đồng/kg, bưởi diễn năm nay khá rẻ chỉ khoảng từ 15.000 - 30.000 đồng/quả; giá dưa hấu từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại; cau tươi thắp hương khoảng từ 10.000 - 12.000 đồng/quả.
Bên cạnh đồ lễ cúng, cá chép cũng là vật không thể thiếu. Theo chị Đinh Thủy (chủ cửa hàng cá cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám- Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày nay, cửa hàng tôi đã nhập về số lượng lớn cá chép đủ các loại, đủ kích cỡ phục vụ dịp Tết ông Công ông Táo. Dự kiến, giá cá chép đỏ phóng sinh từ 40.000 - 70.000 đồng/con.”
Cá chép đỏ được coi là một trong những đồ cúng vô cùng quan trọng và không thể thiếu bên mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Trước ngày 23 tháng Chạp, chợ cá lớn nhất miền Bắc tại làng Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tấp nập bởi các tiểu thương và người dân tìm tới mua cá chép đỏ. Tại chợ Yên Sở, bán chủ yếu là 2 loại cá chép đỏ và cá chép vàng. Cả 2 loại cá này đều được được các lái buôn nhập từ các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Mâm lễ cúng ngọt được nhiều người ưa chuộng
Thay vì cúng cá cùng mâm cỗ mặn như mọi năm, nhiều người còn cung cấp các mâm lễ ngọt với nhiều mẫu cá chép bằng xôi, thạch, bánh trôi cá chép… Giá các set dao động từ 200.000 - 500.000 đồng.
“Thay vì phải chi cả triệu vào mâm cơm mặn cúng Tết ông Công ông Táo, năm nay mình quyết định đổi sang mâm cúng lễ ngọt gồm xôi, chè và bánh ngọt tại một tiệm bánh gần nhà. Vì nhà mình nhiều trẻ con nên nhìn mâm cúng vừa đẹp cũng khiến lũ trẻ rất thích thú”, chị Hà Linh (28 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
Theo chị Linh, dù giá thành rẻ, mâm cúng ngọt vẫn đầy đủ lễ nên vẫn được nhiều người lựa chọn. Chị Hồng Minh (quận Hà Đông, Hà Nội) - chủ cửa hàng kinh doanh cỗ mâm cúng online suốt mấy năm qua cho biết năm nay số lượng khách đặt cỗ cúng vượt ngoài dự kiến. "Năm nay tôi cũng chỉ chuẩn bị 1.000 set cúng như mọi năm. Tuy nhiên, chỉ mới 20/12 Âm lịch mà lượng khách đặt thêm quá nhiều, vượt xa dự kiến. Giờ tôi phải gọi thêm người nhà phụ để kịp chạy đơn cho khách vào ngày 22/12 âm lịch", chị Minh nói.
Tại cửa hàng của chị Hồng Minh, một mâm cúng ngọt có giá 320.000 đồng, trong đó gồm bánh bao đào, bánh bao quýt, xôi cá chép, chè trôi cá chép và giấy cúng ông Công, ông Táo cơ bản (loại không có hài, mũ). So với năm trước, mức giá này đã tăng 20.000 đồng, chủ yếu do nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Ngoài set bánh cá vàng, chị Minh còn kinh doanh các loại bánh khác để phục vụ khách cúng dịp Tết ông Công ông Táo như set 6 bánh nhỏ hình cá chép nhân đậu xanh có giá 160.000 đồng, set 10 thỏi vàng nhân dừa 150.000 đồng và set 12 bánh ú 95.000 đồng.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưới cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình người dân với Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, cả hai vị thần mới trở lại để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
Vì vậy, hằng năm vào ngày này, người dân khắp cả nước đều chuẩn bị lễ với các vật phẩm gồm bộ mũ cáo, cá chép sống, gà luộc, xôi trắng, tiền vằng, trầu cau, nước, rượu, trà, hoa quả… để ông táo về chầu trời.