9h33 sáng 20/4 giờ địa phương, 33 động cơ của tên lửa đẩy siêu trọng được kích cháy, tạo thành một đám mây lửa, khói và bụi khổng lồ, đưa Starship từ từ đi lên.
Khoảng một phút sau, tên lửa trải qua giai đoạn áp suất khí động học tối đa, một trong những thời điểm quan trọng để phóng tên lửa ra khỏi Trái Đất. Ngay sau đó, nó bắt đầu nhào lộn trước khi phát nổ, tạo thành một quả cầu lửa giữa không trung phía trên Vịnh Mexico.
Bất chấp kết quả rực lửa đó, Giám đốc NASA Bill Nelson đã chúc mừng công ty. Ông Nelson viết trên Twitter: “Mọi thành tựu vĩ đại trong suốt lịch sử đều đòi hỏi một mức độ rủi ro được tính toán nhất định, vì rủi ro lớn đi kèm với phần thưởng lớn”.
“Không phải thất bại”
Cơ quan vũ trụ Mỹ đang dựa vào SpaceX để xây dựng một phiên bản Starship sẽ đưa hai phi hành gia từ quỹ đạo Mặt Trăng lên bề mặt Mặt Trăng trong sứ mệnh Artemis III của họ. Sứ mệnh được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu cho tương lai tên lửa khổng lồ có thể mang một lượng lớn hàng hóa và nhiều người vào vũ trụ, theo New York Times.
Trước vụ phóng, tỷ phú Elon Musk, người sáng lập SpaceX, vốn không đặt kỳ vọng thành công quá lớn. Ông thừa nhận có thể mất nhiều nỗ lực mới có thể thực hiện thành công vụ phóng thử nghiệm này.
Nhưng vụ phóng đã đạt được một số cột mốc quan trọng, với việc tên lửa bay được 4 phút và bay một đoạn xa khỏi bệ phóng. Chuyến bay ngắn đã cung cấp rất nhiều dữ liệu để các kỹ sư hiểu phương tiện đang hoạt động như thế nào.
Daniel Dumbacher, Giám đốc điều hành của Viện Hàng không và Du hành vũ trụ Mỹ, đồng thời là một cựu quan chức cấp cao của NASA, cho biết: “Đó không phải là một thất bại. Đó là một kinh nghiệm để học tập”.
Theo kế hoạch được mong đợi, Starship cần đạt độ cao thêm khoảng 240 km so với vị trí phát nổ hôm 20/4. Nó được mong đợi hạ cánh xuống Thái Bình Dương gần Hawaii khoảng 90 phút sau đó.
Vẫn còn phải xem kết quả chuyến bay hôm 20/4 có thể ảnh hưởng như thế nào đến lịch trình của NASA. Cơ quan này tỏ ra rất lạc quan về việc Starship có thể hạ cánh trên Mặt Trăng vào cuối năm 2025.
Khi SpaceX bắt đầu xây dựng Starship, giấc mơ của Musk là một ngày nào đó sẽ đưa con người lên sống trên sao Hỏa, một nỗ lực đòi hỏi phải vận chuyển một lượng lớn vật tư để thành công.
Các doanh nhân và nhà tương lai học suy nghĩ theo hướng thực dụng hơn. Họ tin rằng một phương tiện khổng lồ, có thể tái sử dụng, sẽ giảm chi phí vận chuyển các vật phẩm vào không gian.
Phil Larson, người từng là cố vấn không gian của Nhà Trắng dưới thời chính quyền Obama và sau đó làm việc về truyền thông tại SpaceX, cho biết: “Việc bay và tái sử dụng tên lửa có tiềm năng to lớn thay đổi cuộc chơi và cách chúng được vận chuyển lên quỹ đạo. Và nó có thể kích hoạt các lớp nhiệm vụ hoàn toàn mới”.
Bất chấp thất bại, SpaceX vẫn là công ty thống trị trong lĩnh vực du hành vũ trụ toàn cầu. Các tên lửa của nó đã bay vào vũ trụ 25 lần vào năm 2023, với lần phóng cuối cùng đã hoàn thành thành công hôm 19/4.
Quá trình đếm ngược hôm 20/4 tại địa điểm phóng ở Nam Texas, gần thị trấn Brownsville, diễn ra suôn sẻ suốt buổi sáng cho đến nửa phút cuối cùng, khi nó bị tạm dừng trong vài phút trong khi các kỹ sư của SpaceX giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Nhân viên tại trụ sở của SpaceX ở California bắt đầu reo hò ầm ĩ khi quá trình đếm ngược bắt đầu lại.
Trong một bản cập nhật, SpaceX cho biết tên lửa bay lên khoảng 36 km phía trên Vịnh Mexico. Ánh sáng lóe lên khi một số động cơ bị hỏng ở phần dưới của tàu vũ trụ, bộ tên lửa đẩy siêu trọng.
Starship ở phía trên dường như không tách khỏi bộ đẩy, và bốn phút sau khi phóng, hệ thống kết thúc chuyến bay tự động đã phá hủy tên lửa.
Tuy nhiên, thử nghiệm đã thoát được kết quả tồi tệ nhất là một vụ nổ bệ phóng.
Ông Musk chúc mừng nhóm SpaceX trên Twitter. “Đã học được rất nhiều cho thử nghiệm tiếp theo bắt đầu sau vài tháng nữa”, ông viết.
“Thất bại nhanh, nhưng học hỏi nhanh hơn”
Karl Kriegh, 69 tuổi, và vợ đã đi từ Colorado để xem buổi phóng thử nghiệm và sau đó nán lại trên bãi biển ở đảo Nam Padre, nơi khán giả theo dõi tên lửa từ một khoảng cách an toàn.
“Tôi rất vui vì được trải nghiệm điều đó. Nó cực kỳ kịch tính”, ông Kriegh nói.
Carlos Huertas, 42 tuổi, sống ở Los Angeles, đang ở trên bãi biển mặc một chiếc áo phông do SpaceX bán có dòng chữ “Chiếm giữ sao Hỏa” khi vụ phóng thử diễn ra.
“Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp cho đến khi nó nổ tung”, ông nói, cho biết thêm rằng mình “hơi thất vọng dù chúng tôi biết đó là một khả năng lớn”. Ông hy vọng sẽ sớm thấy một khởi đầu khác.
Các tên lửa siêu trọng như Starship vốn đã phức tạp và khó thiết kế hơn so với các tên lửa nhỏ hơn. Ngoài ra, với mục tiêu làm cho tất cả bộ phận của tàu vũ trụ có thể tái sử dụng và có thể phóng trở lại vài giờ sau khi hạ cánh, SpaceX đứng trước một thách thức kỹ thuật vượt xa những gì đã đạt được trong 60 năm qua của thời đại công nghệ vũ trụ.
Các chuyên gia không ngạc nhiên khi SpaceX không hoàn toàn thành công trong lần thử nghiệm đầu tiên.
Ông Dumbacher nói: “Họ sẽ xem xét và tìm ra giải pháp. Họ sẽ quay lại, khắc phục những vấn đề đó và chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Cuối cùng họ sẽ đưa nó vào quỹ đạo”.
SpaceX có thành tích tốt trong việc học hỏi từ những sai lầm. Phương châm của công ty về cơ bản là: “Thất bại nhanh, nhưng học hỏi nhanh hơn”.
Các công ty hàng không vũ trụ truyền thống đã cố gắng dự đoán và ngăn chặn càng nhiều thất bại càng tốt, nhưng cách tiếp cận này thường tốn kém tiền bạc và thời gian. Trong khi đó, SpaceX bắt đầu với một sản phẩm không hoàn hảo và có thể cải tiến nhanh chóng.
Trước đây, khi nó cố gắng hạ cánh tên lửa Falcon 9, một số tên lửa đầu tiên đã va chạm quá mạnh và phát nổ. Với mỗi lần thử nghiệm, các kỹ sư của SpaceX đã tối ưu hóa hệ thống. Sau lần hạ cánh thành công đầu tiên, những lần tiếp theo cũng đạt kết quả tốt.
Vài năm trước, công ty đã có cách tiếp cận tương tự khi tinh chỉnh quy trình hạ cánh cho Starship và đã thành công sau vài lần không như ý.