Mười giây trước khi chiếc Tesla Model 3 của Jeremy Banner lao vào gầm xe tải, người đàn ông này đã bật hệ thống lái tự động Autopilot. Một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của người cha ba con trên cao tốc Florida buổi sáng hôm ấy. Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, song cuộc điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia NTSB kết luận Banner có thể đã không nhìn thấy chiếc xe tải đang băng qua đường khi đó. Tính năng hỗ trợ Autopilot của Tesla cũng vậy.
Một phiên toà tại Palm Beach County vừa được ấn định nhằm xem xét chính xác đối tượng cần chịu trách nhiệm, sau sự cố với Autopilot. Từ nay cho đến ngày hôm đó, mạng xã hội Twitter chắc hẳn sẽ nổ ra rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về hệ thống tự lái này, rằng liệu có hay không việc Autopilot “ru ngủ” thành công các tài xế - những người quá tin vào công cụ tự lái.
Dù phán quyết ra sao, phiên tòa này cũng sẽ khiến giới lập pháp và những công dân ủng hộ sự an toàn vùng lên và kêu gọi can thiệp từ phía cơ quan quản lý. Một cuộc đàn áp đã diễn ra trong suốt 8 năm Tesla thử nghiệm tính năng mới, song chỉ thực sự được quan tâm dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) tiến hành nhiều cuộc điều tra.
Giám đốc điều hành Elon Musk trước giờ vẫn khẳng định Tesla là chiếc xe điện an toàn nhất từng được sản xuất. Điều này có thể bị bác bỏ, sau khi một loạt các cuộc thử nghiệm được dẫn chứng bởi các chuyên gia công nghệ hàng đầu tại phiên tòa. Elon Musk có thể đã tự tin quá mức.
“Điều khiến phiên tòa này trở nên có ý nghĩa, là nó được tiến hành trên quy mô cộng đồng”, Michael Brooks, cố vấn trưởng tại Trung tâm An toàn Ô tô, một nhóm vận động người tiêu dùng, cho biết.
Tesla trước đó tuyên bố phía công ty rất hiểu giới hạn của hệ thống, rằng tính năng Autopilot “yêu cầu sự giám sát tích cực của người lái xe và họ không được để phương tiện tự động hoàn toàn”. Musk khẳng định việc sử dụng Autopilot đúng cách sẽ giúp tài xế có những chuyến đi an toàn, thay vì trở thành nạn nhân của những vụ va chạm không mong muốn.
“Tesla đã luôn bảo vệ mình. Họ cho rằng chính con người mới là những tài xế tồi, không phải công nghệ”, Gene Munster, đối tác quản lý của Loup Ventures, một công ty đầu tư cho biết.
Theo NHTSA, ít nhất 18 trường hợp tử vong có thể liên quan đến công nghệ hỗ trợ tự lái. Cơ quan này cho biết đã điều tra gần 200 vụ tai nạn, trong đó có cả Tesla. Bộ Phương tiện xe cơ giới California sau đó đã cáo buộc công ty quảng cáo sai sự thật, khiến khách hàng tin rằng Autopilot có thể tự điều khiển phương tiện một cách an toàn nhất.
Lake Lytal, luật sư đại diện cho gia đình Banner, coi phiên tòa này là cơ hội cuối cùng buộc Tesla và Elon Musk chịu trách nhiệm sau những sai lầm của mình. Hiện Tesla và nhóm pháp lý vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Trước đó, Musk bày tỏ rõ sự khó chịu trước những lời chỉ trích nhằm vào Autopilot. Hồi năm 2018, ông dồn mọi sự chú ý vào Robert Sumwalt, lúc đó là chủ tịch của NTSB. Đến tháng 10 năm ngoái, khi Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm Giáo sư Mary Cummings thuộc Đại học Duke làm cố vấn an toàn cấp cao cho NHTSA, Musk và hàng nghìn người hâm mộ Tesla đã phản đối kịch liệt. Họ cho rằng điều này không công bằng, bởi Mary Cummings trước đó từng bày tỏ sự hoài nghi cá nhân với Autopilot.
Gần đây, dư luận lại một lần nữa dậy sóng sau khi youtube xuất hiện một video ghi lại thử nghiệm va chạm của xe điện Tesla với một hình nộm trẻ em. Một số chủ sở hữu Tesla cũng bắt chước, đăng tải video chứng minh chiếc xe của họ đã dừng lại an toàn trước mặt con nhỏ, nhờ tính năng tự lái. NHTSA sau đó vội đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người dân không được thử điều này ở nhà.
Theo Bloomberg, phiên tòa sắp tới sẽ có sự tham gia của các kỹ sư Tesla cùng một số chuyên gia, bao gồm Christopher “CJ” Moore, cựu thành viên nhóm điều hành Autopilot hiện đang làm việc cho Apple. Sau khi phỏng vấn Moore vào năm ngoái, các quan chức DMV của California đã đưa ra kết luận, rằng Musk có thể đã phóng đại khả năng của Autopilot.
Vấn đề lớn nhất với Tesla lúc này chính là những tiết lộ xoay quanh công nghệ Autopilot. Theo Dana Taschner, một luật sư đại diện cho nạn nhân các vụ tai nạn, phiên toà sẽ giúp công chúng có được cái nhìn đầu tiên về kho dữ liệu mà Tesla thu thập, bao gồm cả thông tin chi tiết về Autopilot.
“Các kỹ sư Tesla sẽ đứng ra làm chứng về những dữ liệu vốn được bảo mật rất, rất cẩn thận,” ông nói.
Theo Bloomberg, sự kiện này chắc chắn sẽ tác động tới một số cá nhân khác, bao gồm các công ty đang phát triển hệ thống xe tự lái hoặc đang đầu tư mạnh vào những chiếc ô tô có tính năng lái tự động. Tất cả những nhà sản xuất và vô số bên cung cấp, không ai muốn vướng vào vòng lao lý cả.
Được biết, cuộc điều tra về vụ tai nạn của Banner đã phát hiện ra nhiều điểm đáng trách. Họ kết luận tài xế xe tải đã không nhường đường, trong khi Banner quá chủ quan khi phụ thuộc hoàn toàn vào Autopilot. Tuy nhiên sau đó, trong một báo cáo hồi năm 2020, cơ quan này quay sang chỉ trích công nghệ của Tesla đã không bao quát toàn bộ quá trình tham gia giao thông của người lái xe. Báo cáo cho biết: “Hệ thống Autopilot đã không gửi cảnh báo bằng hình ảnh hoặc âm thanh để tài xế đặt tay trở lại vào vô lăng”.
Tháng 10 năm ngoái, NTSB tuyên bố phạt Tesla vì đã không trang bị đầy đủ các tính năng hỗ trợ tài xế, bao gồm việc kích hoạt Autopilot và đảm bảo người lái xe phải chú ý khi sử dụng tính năng này.
Theo luật liên bang, các phát hiện của NTSB về nguyên nhân gây ra sự cố trong vụ tai nạn Banner không được phép được sử dụng để làm bằng chứng. Tuy nhiên, các chuyên gia có thể coi báo cáo này như một “kim chỉ nam” nhằm thiết lập các kết luận tương tự, theo Peter Goelz, cựu giám đốc điều hành NTSB.
Theo: Bloomberg, CNBC