Các nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế sẽ hội tụ tại khu nghỉ dưỡng Davos trên dãy núi Alps của Thuỵ Sỹ trong tuần này để tham dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Được thảo luận tại Davos sẽ là những vấn đề cấp bách nhất mà hành tinh đang phải đối mặt.
Hai cuộc chiến tranh, một cuộc khủng hoảng của hoạt động vận tải biển, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước, Trái Đất ngày càng nóng lên… là vài trong số những chủ đề dự kiến sẽ được thảo luận. Tuy nhiên, hai nội dung được dự báo sẽ “nóng “ nhất ở Davos năm nay sẽ là tình trạng nợ công chồng chất và làn sóng chưa từng có tiền lệ các cuộc bầu cử tại các quốc gia trên thế giới.
WEF diễn ra trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới đang nợ kỷ lục 88,1 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu hàng năm. Việc đưa các ý tưởng giải quyết số nợ này trở thành hiện thực sẽ là một việc không dễ dàng.
Thế giới chông chênh vì nợ công
Nợ công đã tăng bùng nổ trong đại dịch và theo dự báo, lượng vay nợ mới trong năm nay của chính phủ tại một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục phá kỷ lục. Điều này sẽ khiến các chính phủ suy giảm khả năng ứng phó với những cú sốc như khủng hoảng tài chính, bệnh dịch hay chiến tranh… có thể xảy ra. Ngay cả trong trường hợp không có cuộc khủng hoảng nào mới, chi phí lãi vay tăng cao cũng sẽ hạn chế nỗ lực để giải quyết các vấn đề hiện tại như chống biến đổi khí hậu và chăm sóc người cao tuổi. Dịch vụ công ở nhiều nước đang đối mặt với sức ép lớn từ các đợt cắt giảm ngân sách nối tiếp nhau - theo hãng tin CNN.
Đáng lo ngại hơn nữa là trong lúc gánh nặng nợ nần gia tăng, các chính phủ nhận thấy việc vay nợ thêm - để giải quyết các nghĩa vụ nợ đang có và đáp ứng đầy đủ các dịch vụ căn bản - ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Một chính phủ không thể trang trải các nghĩa vụ nợ sẽ buộc phải thực thi các biện pháp cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế một cách đột ngột và gây ra nhiều “đau thương” trong nền kinh tế - theo nhận định của ông Michael Saunders, một cựu thành viên uỷ ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). “Và một chính phủ như vậy có thể sẽ thiếu dư địa tài khoá để phản ứng với những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai, để cung cấp sự hỗ trợ tài khoá cho nền kinh tế khi cần nhất”, ông Saunders nói với CNN.
Vị cựu quan chức hiện là một cố vấn kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Oxford Economics, cho rằng nợ công của các nền kinh tế phát triển hiện nay chưa đến mức tương tự như một người đang tiến gần tới giới hạn tín dụng cá nhân, và giới đầu tư toàn cầu vẫn còn nhu cầu lớn đối với trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giới hạn sẽ không bị thử thách trong “10, 20, 30 năm nữa kể từ bây giờ”.
Nước Anh - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới - là một câu chuyện điển hình cho thấy vấn đề nợ công có thể dẫn tới khủng hoảng như thế nào khi giới đầu tư từ chối kế hoạch vay nợ của một chính phủ.
Vào tháng 9/2022, đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ Anh đã bị bán tháo, một phần do phản ứng của thị trường với kế hoạch của Thủ tướng nước này khi đó, bà Liz Truss, về phát hành thêm nợ để bù đắp cho việc cắt giảm thuế. Lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà và các khoản vay khác tăng chóng mặt do giới đầu tư đòi hỏi phần bù rủi ro cao hơn cho việc nắm giữ nợ chính phủ Anh.
Sau đó, BOE buộc phải can thiệp để bình ổn thị trường, cam kết sẽ mua vào lượng trái phiếu chính phủ “ở bất kỳ mức độ nào cần thiết”.
“Nếu cuộc khủng hoảng đó tiếp tục hoặc xấu đi, đó sẽ là một rủi ro rất lớn đối với sự ổn định tài chính của nước Anh. Tình huống đó sẽ dẫn tới suy giảm dòng chảy tín dụng vào nền kinh tế thực”, ông Dave Ramsden, một quan chức cấp cao của BOE, phát biểu vào thời điểm đó.
Rủi ro từ làn sóng bầu cử
Các ngân hàng trung ương có thể cung cấp sự hỗ trợ khẩn cấp ngắn hạn như trong trường hợp của Anh nói trên, nhưng họ không thể thay thế nhà đầu tư trái phiếu trong việc cấp vốn để các chính phủ chi tiêu. Giải thích cho điều này chính là trường hợp Argentina - quốc gia Nam Mỹ đã chìm trong khủng hoảng nợ công suốt mấy thập kỷ. Ngân hàng Trung ương Argentina trong nhiều năm nay đã in đồng peso để giúp Chính phủ duy trì việc trả lãi và tránh vỡ nợ. Cách làm này đã khiến cho tỷ giá đồng peso lao dốc không phanh và giá cả tăng phi mã. Tốc độ lạm phát cả năm ở Argentina đã vượt 211% vào tháng 12 vừa qua, mức cao nhất trong 3 thập kỷ.
Vấn đề ngân sách của các chính phủ thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư trong năm nay, khi bầu cử diễn ra tại một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ khiến các chính trị gia không ngần ngại đưa ra lời hứa về tăng cường chi tiêu để lấy lòng cử tri. Năm nay là một năm chưa từng có tiền lệ khi một nửa dân số của thế giới sẽ đi bầu cử. Điều này đồng nghĩa các chính phủ đang cầm quyền sẽ không có nhiều động lực để cắt giảm chi tiêu, đồng thời cũng làm gia tăng khả năng các nhà lãnh đạo sắp lên cầm quyền tìm cách ghi điểm bằng các kế hoạch giảm thuế và tăng chi tiêu mới.
Trên thực tế, nợ công được cho sẽ là một chủ đề quan trọng trong bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm nay, với cuộc bầu cử chính thức sẽ diễn ra vào đầu tháng 11. Mức nợ công kỷ lục của Mỹ đã trở thành một vấn đề xung đột giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, dẫn tới tình trạng bế tắc chính trị xung quanh ngân sách quốc gia và đã không ít lần đặt Chính phủ Mỹ trước nguy cơ phải đóng cửa vì hết ngân sách để duy trì hoạt động bình thường.
Vì điều này, Mỹ đã bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch giảm một bậc định hạng tín nhiệm quốc gia từ mức cao nhất AAA về AA+ vào tháng 8 năm ngoái. Tháng 11, đến lượt một tổ chức đánh giá tín nhiệm khác là Moody’s cảnh báo có thể tước định hạng tín nhiệm hoàn hảo cuối cùng mà Mỹ còn có từ 3 nhà đánh giá tín nhiệm lớn nhất thế giới.
“Một trong những yếu tố then chốt duy trì uy tín của một quốc gia trong việc trả nợ là sự đồng thuận chính trị. Nếu xuất hiện cảm giác về một thảm hoạ chính trị ở Mỹ, giá trị của trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ lao dốc và lãi vay của Chính phủ Mỹ sẽ tăng vọt”, ông Raghuram Rajan - một cự Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) - nhận định.
Ai sẽ cứu thế giới khỏi nợ nần?
Ngay cả trong trường hợp những kịch bản xấu nhất không trở thành hiện thực, chi phí lãi vay ngày càng lớn do lãi suất tăng cao thời gian qua sẽ khiến các chính phủ phải giảm bớt ngân sách cho các dịch vụ công quan trọng, và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể trở nên gian nan hơn. Theo truyền thông Anh, Công Đảng đối lập của nước này đã giảm bớt kế hoạch đầu tư lớn cho năng lượng xanh, và nguyên nhân là mối lo về nợ nần của quốc gia.
Trong tài khóa kết thúc vào ngày 5/4/2024, số tiền lãi nợ công mà Chính phủ Anh dự kiến phải trả sẽ lên tới 94 tỷ bảng (120 tỷ USD), nhiều hơn so với ngân sách dành cho giáo dục hay quốc phòng - theo Văn phòng Ngân sách có trách nhiệm (OBR).
Ở Mỹ, tiền lãi nợ công trong tài khoá kết thúc vào ngày 30/9/2023 đã lên tới 659 tỷ USD - theo Bộ Tài chính nước này - tăng 39% so với tài khoá trước và gần gấp đôi so với con số của năm 2020. Theo Uỷ ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), tiền lãi nợ công của Mỹ trong năm 2023 nhiều hơn cả ngân sách chi cho mỗi lĩnh vực gồm nhà ở, giao thông, và giáo dục bậc cao.
Một điều đáng lo ngại nữa là sự gia tăng mạnh mẽ của nợ công và tiền lãi nợ công của các nền kinh tế phát triển phần nào phản ánh sự giảm tốc của nền kinh tế và sự gia tăng của số người già trong tương quan so sánh với số người trong độ tuổi lao động. Trong bối cảnh như vậy, không rõ thế giới sẽ làm cách nào để đưa mình ra khỏi hố sâu nợ nần.
“Thứ có thể giải cứu chúng ta một cách ít đau thương là liệu thế giới có được sự cải thiện năng suất lao động đủ lớn mà không gây mất mát công ăn việc làm hay không”, ông Rajan - người hiện là giáo sư tài chính tại Đại học Chicago - phát biểu. Ông cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là chìa khoá của vấn đề.
Và nhiều chuyên gia đã cho rằng sự bùng nổ năng suất nhờ AI có thể giúp thay đổi vận mệnh của nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng sẽ là một nội dung được thảo luận ở Davos trong mấy ngày tới.